07:22 27/07/2019

Số lượng tuần lộc lớn chưa từng có tại Na Uy chết vì thiếu thức ăn 

Ngày 27/7, đài truyền hình NRK (Na Uy) đưa tin các nhà nghiên cứu nước này đã phát hiện hơn 200 con tuần lộc chết vì đói tại quần đảo Svalbard ở vùng Bắc cực thuộc lãnh thổ nước này.

Chú thích ảnh
Hơn 200 con tuần lộc chết vì đói tại quần đảo Svalbard ở vùng Bắc cực thuộc Na Uy. Ảnh: gulfnews.com

Kết quả trên thu được sau khi nhóm nghiên cứu từ Viện Địa cực Na Uy theo dõi và kiểm đếm số tuần lộc trong vòng 10 tuần vì đây là loài động vật đóng vai trò chủ chốt giúp loài người tìm hiểu về hệ sinh thái lãnh nguyên. Viện Địa cực Na Uy cũng đã theo dõi và vẽ bản đồ quần thể tuần lộc hoang dã tại Svalbard trong khoảng 40 năm qua. 

Ba nhà nghiên cứu từ Viện Địa cực Na Uy cho biết thảm họa "quy mô lớn chưa từng có" này là do biến đổi khí hậu đẩy loài tuần lộc vào tình trạng thiếu thức ăn nghiêm trọng. Nhà nghiên cứu Ashild Onvik Pedersen chia sẻ thật đáng sợ khi phát hiện ra nhiều tuần lộc chết như vậy và gọi đây là bằng chứng "đáng sợ" nhất về tác động của biến đổi khí hậu với tự nhiên. Theo nhà nghiên cứu này, mưa lớn tại Svabard hồi tháng 12 vừa qua đã khiến các loài động vật gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn. Tuần lộc thường gặm cỏ ở khắp mọi nơi tại Svalbard và vào mùa Đông, loài động vật này thường đào bới tìm thức ăn tại vùng lãnh nguyên, chúng có thể đào xuyên tuyết nhưng không thể đào xuyên băng.  Chuyên gia Pedersen cũng cho rằng số lượng lớn tuần lộc chết vì thiếu thức ăn như vậy cho thấy khí hậu ấm lên tác động mạnh tới đời sống hoang dã tại khu vực, dù những khu vực này xa những khu dân cư và hầu như chưa từng bị bàn tay con người tác động trực tiếp.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Torkild Tveraa tại Viện Nghiên cứu tự nhiên Na Uy cho biết các loại động vật thuộc nhóm hươu, nai đóng vai trò quan trọng trong các hệ sinh thái Bắc cực ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Nhà nghiên cứu này cho biết tuần lộc là động vật ăn cỏ tại các vùng Bắc cực. Nếu loài này biến mất, không đi kiếm ăn, không giẫm đạp nên các vùng cỏ và không thải ra phân hữu cơ cho các khu vực xung quanh thì khung cảnh sẽ hoàn toàn biến đổi.

Lê Ánh (TTXVN)