11:06 17/11/2014

Sổ đỏ chồng sổ đỏ, đất chồng lên đất - Bài cuối

Không thể bàn giao thực địa lô đất rừng cho gia đình bà Hải theo các mốc giới mới xác định, chính quyền thành phố Lai Châu trình với tỉnh, xin thu hồi cả hai “sổ đỏ” do chính quyền hai huyện cũ cấp, rồi cấp lại đất rừng theo hiện trạng.

Không thể bàn giao thực địa lô đất rừng cho gia đình bà Hải theo các mốc giới mới xác định, chính quyền thành phố Lai Châu trình với tỉnh, xin thu hồi cả hai “sổ đỏ” do chính quyền hai huyện cũ cấp, rồi cấp lại đất rừng theo hiện trạng. Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu đã hướng dẫn UBND thành phố Lai Châu thu hồi hai sổ đỏ đó theo Điều 42 Luật Đất đai 2003, nhưng UBND thành phố Lai Châu cho rằng không thể thực hiện được theo điều luật này… khiến bà Hải càng thêm bức xúc. Từ đầu tháng 7 đến nay, bà Hải tiếp tục làm đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng và các lãnh đạo cao nhất tỉnh Lai Châu, mong được trực tiếp trình bày những uẩn khúc đằng sau vụ việc.

Do… lịch sử để lại


Bà Vũ Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu cho biết, chính quyền thành phố đã quyết liệt vào cuộc giải quyết vấn đề này, trong khi bà Hải đang đi ngược lại trình tự giải quyết theo Luật Đất đai vì tòa án đã giải quyết rồi. Việc tranh chấp đất đai giữa gia đình bà Hải và gia đình ông Trang đã được chính quyền thành phố nghiên cứu theo Luật Đất đai và đã chuyển sang tòa để giải quyết.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu thông tin về vụ việc với phóng viên.


Tuy vậy, bà Ngọc cũng thừa nhận gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này do "đang thực hiện theo số liệu lịch sử để lại và phải giải quyết những việc do lịch sử để lại". Việc Nhà nước cấp hai sổ đỏ chồng lên nhau là sai. Bà Ngọc giãi bày: “Năm 1998 thì làm gì có dụng cụ, máy móc hiện đại như bây giờ, nên là giao bằng tay, mô phỏng bằng tay, kể cả bản đồ cũng phóng bằng tay”. Còn việc bà Hải yêu cầu giao thực địa lô đất rừng của gia đình bà được cấp năm 1998 theo các mốc giới mới xác định, bà Ngọc bảo: “1998 mới giao đất rừng, mà đất ở người ta có từ năm 1992, thế bây giờ trùm lên liệu ai người ta nghe được không?”.

Bà Ngọc cho biết sẽ tổ chức họp, mời đại diện các cơ quan liên quan của tỉnh xem xét, cho ý kiến “chứ một mình UBND thành phố giải quyết việc này thì khó quá”.

Trong thời gian qua, UBND thành phố Lai Châu còn nhận được nhiều ý kiến công dân phản ánh quá trình giao đất trồng rừng phòng hộ có sự sai lệch về vị trí, ranh giới, diện tích so với thực tế sử dụng và đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp đất rừng phòng hộ giữa các hộ dân, kéo dài, vượt cấp. UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra hồ sơ và vị trí, ranh giới, diện tích đất rừng phòng hộ đã giao cho các hộ dân khu vực sau đồi Công an, thuộc phường Quyết Tiến. Kết quả cho thấy: Vị trí giao đất trồng rừng phòng hộ năm 2002 theo Nghị định số 163 của Chính phủ có một phần trùng vào vị trí được giao năm 1998 theo Nghị định số 02 của Chính phủ. Diện tích còn lại bị sai lệch vị trí và chồng lấn lên phần diện tích đã được giao của các hộ dân khác. Và hiện đang tồn tại song song hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt, diện tích và ranh giới thửa đất của các gia đình đang sử dụng không trùng khớp, sai lệch hoàn toàn với sơ đồ, bản đồ đã được giao đất theo hai Nghị định trên của Chính phủ. Cụ thể, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 520 hộ dân được giao đất lâm nghiệp theo Nghị định số 163 và hơn 110 hộ, nhóm hộ được giao đất theo Nghị định số 02.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, hạn chế tranh chấp đất đai kéo dài như thời gian qua, cũng như xử lý dứt điểm vụ việc của gia đình bà Hải, ông Trang nói riêng, UBND thành phố đề nghị tỉnh thu hồi toàn bộ “sổ đỏ” đã cấp cho các hộ dân được giao đất theo hai nghị định nói trên và thực hiện đo vẽ, cấp mới “sổ đỏ” theo hiện trạng sử dụng.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch Vũ Thị Ngọc cho biết thêm, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chính quyền thành phố thực hiện theo Điều 42 của Luật Đất đai 2003. Nhưng trong điều 42 thì điểm 1, điểm 2 quy định thực hiện theo điều 38, “nhưng nếu người dân không hủy hoại chất đất, không gây ô nhiễm môi trường, không tự trả lại thì đương nhiên chúng tôi không có quyền thu hồi”. Đồng thời, tỉnh Lai Châu giao gói thầu số 8 thực hiện toàn bộ quá trình đo đạc lập hồ sơ địa chính và cấp theo hiện trạng. Hiện chính quyền thành phố cũng chỉ còn biết “chờ Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên mà thôi” , bà Ngọc khẳng định.

Chuyện nhỏ thành chuyện lớn


Trước đó, vào cuối tháng 3/2014, chính quyền thành phố đã tổ chức mời đại diện 10 hộ dân, trong đó có bà Hải, có đất rừng được cấp năm 1998 lên thực địa để chỉ ranh giới đất từng nhà. Nhưng bà Hải cho rằng chính quyền địa phương không cần phải khảo sát đất từng nhà khu vực ấy, chỉ cần căn cứ vào các mốc giới chính quyền đã xác định trước, đã cung cấp cho tòa án làm căn cứ, bàn giao cho gia đình bà trên thực địa là xong. Nên đến giữa buổi làm việc, gia đình bà Hải đã bỏ về, không chỉ ranh giới lô đất.

Cuối tháng 6/2014, bà Hải nhận được văn bản trả lời của UBND thành phố Lai Châu, trong đó cho rằng do không nhận được sự hợp tác từ gia đình bà nên nội dung đơn đề nghị của bà, UBND thành phố không có đủ cơ sở, căn cứ để giải quyết... Đồng thời, đề nghị được giao đất để quản lý, sử dụng của gia đình bà Hải sẽ được xem xét giải quyết theo Quyết định 571 của UBND tỉnh và các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, bà Hải cho rằng nội dung công văn trả lời của UBND thành phố Lai Châu cùng các văn bản làm căn cứ trả lời, không liên quan gì đến đơn đề nghị của bà. Nên từ đầu tháng 7 đến nay, bà Hải tiếp tục làm đơn kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan tỉnh và các đồng chí lãnh đạo cao nhất tỉnh Lai Châu. Hầu hết các địa chỉ gửi đơn, bà Hải đều chưa nhận được hồi âm.

Bà Hoàng Thị Thanh, Chánh Văn phòng HĐND - UBND thành phố Lai Châu cho biết, trước đây, khi bà là Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng (nay là phường Quyết Tiến và phường Quyết Thắng), đã tham gia trực tiếp hòa giải vụ việc tranh chấp đất giữa gia đình bà Hải và gia đình ông Trang. Thực chất, từ khi cơ quan Viettel hợp đồng với gia đình bà Hải đặt cột thu phát sóng trên khu đất đó, nên gia đình ông Trang mới ra nhận đất và hai bên xảy ra tranh chấp…

Công Hải