02:06 27/02/2015

Sơ cứu đúng cách sẽ giảm thương vong do TNGT

Nếu biết kỹ năng sơ cấp cứu đúng cách, người tham gia giao thông có thể cứu sống được nạn nhân.

Mỗi năm, nước ta có hàng chục nghìn trường hợp thương vong vì tai nạn giao thông (TNGT). Nếu biết kỹ năng sơ cấp cứu đúng cách, người tham gia giao thông có thể cứu sống được nạn nhân.

Tập huấn sơ cứu thương cho người bị nạn bởi TNGT.


Thương tật vĩnh viễn nếu sơ cứu không đúng cách

Chị Mai Hoa ở Hải Dương đang chăm sóc chồng là nạn nhân một vụ TNGT tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ, hai tháng nay, chị đã phải đi đi về về Hà Nội - Hải Dương để chăm sóc chồng bị liệt nửa người.

Chồng chị không may bị TNGT trong một vụ va chạm xe máy. Lẽ ra chỉ chấn thương đốt sống cổ nhẹ, nhưng sau khi vụ tai nạn xảy ra, do người tham gia giao thông bế xốc chồng chị lên xe máy đưa đi cấp cứu, khiến anh bị chèn ép tủy gây liệt hai chi dưới.

Tương tự như vậy, anh Đoàn Đức Long, quê Thanh Hóa (cũng đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức), do việc sơ cứu không đúng cách đã dẫn tới tình trạng liệt nửa người. Anh Long là lao động chính của gia đình, lên Hà Nội làm thợ nề. Không may trong một vụ va chạm với ô tô bị chấn thương vùng ngực.

Anh Long được người đi đường khiêng lên xe taxi đến bệnh viện để cấp cứu, nhưng do khiêng không đúng phương pháp đã khiến anh Long bị chấn thương nặng hơn, bị vỡ xẹp đốt sống. Dù trải qua nhiều ca phẫu thuật, nhưng do tủy bị tác động mạnh, nên anh Long đã bị liệt hai chân vĩnh viễn.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong nhiều trường hợp, nạn nhân bị TNGT do không được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách, đã bị tàn tật suốt đời, thậm chí tử vong. Vì vậy, việc sơ cứu ban đầu đúng cách sẽ giúp giảm thương tích, tăng cơ hội sống sót cho những người bị nạn.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, mỗi năm, nước ta có khoảng 50.000 người bị thương do TNGT cần sơ cấp cứu và gần 10.000 trường hợp tử vong do TNGT.

“Trước khi các cơ quan chức năng có những giải pháp cụ thể, mỗi người trong cộng đồng cần trang bị cho mình kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý tình huống linh hoạt khi gặp TNGT, cần phải kịp thời gọi cấp cứu, thông báo đến cơ quan công an, thông tin tới đường dây nóng của một số báo đài để tìm sự trợ giúp sớm và tốt nhất”



Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, nếu sơ cứu nạn nhân TNGT đúng cách, có thể giảm từ 20 - 30% nguy cơ tử vong và đặc biệt giảm rất nhiều nguy cơ tàn phế, sống thực vật suốt đời của những nạn nhân gặp chấn thương về xương, cột sống.

Trang bị kỹ năng sơ cấp cứu

Tuy nhiên, việc sơ cấp cứu cho nạn nhân không hề dễ và cần được tập huấn cho người dân. Mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Diễn đàn Otofun và Công ty Ford Việt Nam tổ chức ngày hội tập huấn kỹ năng sơ cứu nạn nhân bị TNGT cho cộng đồng.

Qua chương trình tập huấn này, nhiều lái xe, người dân đã được được trang bị các kỹ năng sơ cứu cơ bản để có thể chủ động và sẵn sàng ứng cứu; đồng thời có thể tuyên truyền, hướng dẫn người thân trang bị các kỹ năng sơ cứu để có thể vận dụng vào thực tế.

Theo đó, khi sơ cứu trong hầu hết trường hợp, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho nạn nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải dùng tay móc ngay ra.

Với người bị nhẹ cần cho nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra. Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy ngón tay, nắm tay, khăn hay một cục bông đè mạnh vào vết thương. Đây là động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.

Với người có tổn thương chi như gãy xương, tay, chân, phải cố định chi gãy. Gãy chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện.

Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, khi xảy ra tai nạn, mọi người cần kiểm tra nạn nhân còn tỉnh hay không. Nếu còn tỉnh, phải hỏi rõ đau ở đâu để có hướng xử lý chuẩn xác. Không nên vội vã di chuyển, bế xốc nạn nhân di chuyển.

Với người bị nặng, hôn mê, cần thông đường thở bằng biện pháp hà hơi, hồi sức; kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực. Đặc biệt, không nên đặt người bị nạn nằm ngửa, không tự ý lấy bỏ dị vật tại vết thương, không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn.

Trong trường hợp phải chuyển ngay đến cơ sở y tế thì cần từ 2 - 3 người nhấc người bệnh lên, chứ không bế xốc bổng hay bế gập người lại khi chuyển lên xe taxi hay xe cứu thương.

Theo các bác sĩ, thông thường, theo phản xạ tự nhiên, người tham gia giao thông hoặc người nhà nạn nhân thường ngay lập tức bế vác, cõng nạn nhân vào viện, vì cho rằng càng đưa nhanh vào viện càng càng tốt. Tuy nhiên, đây là một sai lầm nghiêm trọng, khiến nạn nhân càng thương tổn nặng nề hơn.


Tiến Hiếu