10:22 20/10/2015

Số ca sốt xuất huyết vẫn tăng

Tính đến nay, cả nước đã có hơn 46.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 30 ca đã tử vong. Số ca mắc SXH vẫn đang gia tăng, mặc dù ngành y tế đã phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch.


Sẽ còn tăng

Theo các chuyên gia, đang là đỉnh của dịch SXH, tại nhiều địa phương số ca mắc SXH liên tục tăng trong những tuần gần đây.

Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, SXH còn diễn biến phức tạp, số ca mắc SXH sẽ còn tăng. Theo số liệu thống kê mới nhất, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn Hà Nội đã có hơn 3.470 ca mắc SXH, chưa có ca nào tử vong tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 quá tải vì sốt xuất huyết. Ảnh: Đan Phương

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khoa khám bệnh thời điểm này lúc nào cũng chen chúc người tới khám. Vì sợ mắc SXH nên nhiều người mới có biểu hiện sốt đã đi khám cho yên tâm gây quá tải. Theo thống kê của bệnh viện, hiện nay số bệnh nhân SXH nhập viện trung bình 22 - 23 bệnh nhân/ngày. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mặc dù từ đầu mùa dịch tới nay mới chỉ có 49 ca mắc SXH nhưng trong tuần vừa qua đã có 11 ca nhập viện.

TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương bùng phát dịch SXH mạnh nhất cả nước, số ca mắc SXH phải nhập viện từ đầu năm đến nay đã lên tới 12.224 ca, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó 4 trường hợp đã tử vong. Trong vòng 1 tuần qua, toàn thành phố đã có 770 trường hợp SXH nhập viện, tăng 15% so với trung bình 4 tuần trước. Đã có 125 xã, phường có ca bệnh liên tiếp trong 4 tuần.Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 có 92 bệnh nhân SXH đang nằm điều trị nội trú, còn Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh có hơn 170 bệnh nhân.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thời điểm này SXH bùng phát, khiến bệnh viện luôn quá tải, chúng tôi đã cố gắng kê thêm giường bệnh, nhưng vẫn không đủ. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, bệnh viện đã phải tăng thêm bàn khám và khám 24/24 giờ, vận động bác sĩ không nghỉ trưa. Bên cạnh đó, tăng cường lọc bệnh ngay từ khu điều trị ngoại trú, áp dụng những kỹ thuật tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng tăng cường tập huấn và đưa bác sĩ xuống các bệnh viện tuyến dưới để kịp thời phục vụ điều trị trong đợt dịch này”.

Không chủ quan, lơ là

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội: Chưa đủ điều kiện để SXH “giảm nhiệt”, vì phải dưới 16 độ C, tốc độ sinh trưởng của muỗi mới bị hạn chế. Vì thế người dân không được chủ quan, mà vẫn phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Nhờ quyết liệt triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động nên hiện nay chỉ còn khoảng 5% số hộ dân chưa hợp tác trong công tác phòng dịch.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã bố trí 5 đội chống dịch cơ động hàng ngày bám sát địa bàn hỗ trợ các quận, huyện điều tra, giám sát, khoanh vùng và xử lý ổ dịch, đồng thời cử cán bộ hằng ngày chủ động đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố thu thập số liệu về người mắc bệnh, kiểm tra, giám sát tình hình thay vì đợi tiếp nhận báo cáo hàng tuần từ bệnh viện như thường lệ. Trung tâm y tế các quận, huyện cũng cử cán bộ bám sát bệnh viện tuyến huyện, các phòng khám đa khoa và giám sát bệnh nhân tại cộng đồng phát hiện các ca bệnh nghi SXH.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, để ngăn chặn dịch bệnh SXH, thành phố đã thành lập một đội diệt loăng quăng chuyên nghiệp thường xuyên tổ chức phun thuốc, diệt loăng quăng ở các phường xã; kiểm soát những điểm nguy cơ kết hợp với cam kết, nhắc nhở và xử phạt theo Nghị định 176; truyền thông nguy cơ đến các hộ gia đình, vùng dịch; phun xịt thuốc diện rộng với những ổ dịch lan rộng và kéo dài, tổng vệ sinh môi trường, thực hiện chiến dịch loại bỏ các vật phế thải.

“Sau những ngày mưa, nước có thể đọng lại ở nhiều nơi mà người dân không nghĩ tới như: Đồ phế thải, vỏ lon, hộp sữa... để ở ngoài, khay nước sau tủ lạnh, lọ hoa trên bàn thờ... Đây chính là nơi phát sinh muỗi cần phải dọn dẹp, thay nước thường xuyên để tránh muỗi đẻ trứng. Nếu mọi người dân có ý thức tổng vệ sinh nơi ở, diệt hết loăng quăng, sẽ ngăn chặn được SXH. Tuy nhiên muốn đạt hiệu quả cao, tất cả người dân phải thực hiện một cách đồng loạt và triệt để vì hiện nay nhiều gia đình đã thực hiện tốt phòng dịch, nhưng nếu nhà hàng xóm vẫn có nơi cho muỗi trú ngụ, sinh sản thì vẫn có nguy cơ bị truyền bệnh”. 

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.


Tạ Nguyên - Đan Phương