10:11 19/10/2015

Slovenia đưa ra mức tiếp nhận người tị nạn từ Croatia

Căng thẳng liên quan tới người di cư lại bùng phát tại khu vực Balkan sau khi Hungary rạng sáng 17/10 đóng cửa biên giới với Croatia để ngăn chặn dòng người tị nạn, khiến hàng nghìn người bị kẹt lại tại nước này tìm cách đi qua ngả Slovenia để vào Tây Âu.


Binh sĩ Hungary đóng cửa khẩu ở Botovo bằng hàng rào dây thép sau khi nhóm người di cư cuối cùng vượt qua biên giới từ Tovarnik, Croatia ngày 16/10. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Slovenia Bostjan Sefic ngày 18/10 khẳng định nước này không thể tiếp nhận 5.000 người tị nạn mỗi ngày theo kỳ vọng của Croatia.

Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn lời Bộ trưởng Sefic nhấn mạnh người di cư thực tế không muốn ở lại Slovenia, song do trước đó, quốc gia láng giềng Áo ở phía Bắc tuyên bố sẽ chỉ cho phép 1.500 người tị nạn vào nước này mỗi ngày, nên Slovenia cũng sẽ chỉ tiếp nhận một số lượng người tương đương như vậy.

Slovenia thông báo không cho một chuyến tàu chở khoảng 1.800 người di cư từ Croatia vào sau khi hơn 2.000 người khác đã vào Slovenia trong 1 ngày. Hàng nghìn người di cư vẫn phải tạm trú ở một khu trại tại Opatovac, miền Đông Croatia, chờ được vào lãnh thổ Slovenia, nơi từ đó họ có thể đi tiếp sang Đức hay Thụy Điển.

Phát ngôn viên của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Babar Baloch đã chỉ trích việc Hungary đóng cửa biên giới với Croatia, cũng như trước đó đã đóng cửa biên giới với Serbia, cho rằng điều này không chỉ tạo thêm những đau khổ cho người tị nạn, mà còn có thể gây ùn tắc trên lộ trình di cư Balkan. Theo ông Baloch, chỉ tính riêng từ thời điểm Hungary đưa ra động thái trên đến nay đã có khoảng 4.000 người đổ vào Slovenia, trong khi ngày 18/10, vẫn còn hàng nghìn người mắc kẹt tại Croatia và Serbia để chờ cơ hội tiếp tục vào Tây Âu.

Cùng ngày, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cảnh báo làn sóng di cư đang tiềm ẩn nguy cơ gây nhiều dịch bệnh.

Phát biểu trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 25/10 tới tại Ba Lan, Tổng thống Duda khẳng định việc đảm bảo an toàn cho người dân Ba Lan là điều quan trọng nhất, đồng thời nhấn mạnh chính phủ nước này phải làm rõ liệu có thể bảo vệ đầy đủ cho các công dân của họ trước nguy cơ lây nhiễm từ người di cư các căn bệnh như lị, tả, hay bệnh do nhiễm ký sinh trùng.

Trong một diễn biến liên quan, sau cuộc hội đàm với hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận việc phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề cao những tiến bộ trong quá trình Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay. Nhà lãnh đạo Đức cũng cam kết nước này sẽ thúc đẩy nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.

Theo dự thảo thỏa thuận mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thực hiện các cam kết giúp EU kiểm soát dòng người di cư, phần lớn đến từ Syria, đảm bảo mọi đề nghị tị nạn đều được giải quyết hợp lý, đồng thời nỗ lực chống nạn buôn người. Đổi lại, EU có trách nhiệm hỗ trợ Ankara “đón tiếp người tị nạn” và quản lý tốt hơn biên giới lãnh thổ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu EU công nhận vai trò và tăng khoản kinh phí hỗ trợ Ankara giải quyết vấn đề này, đồng thời đẩy nhanh tiến trình xem xét kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU.

TTXVN/Tin Tức