05:06 08/05/2011

Sinh viên chật vật tự quản tiền

Lên cho mình một kế hoạch chi tiêu, cân đối tài chính là việc thật khó khăn và hoàn toàn mới mẻ với sinh viên. Khó, không chỉ vì sinh viên nghèo, mà còn vì họ ít được thực hiện kỹ năng này từ nhỏ.

Lên cho mình một kế hoạch chi tiêu, cân đối tài chính là việc thật khó khăn và hoàn toàn mới mẻ với sinh viên. Khó, không chỉ vì sinh viên nghèo, mà còn vì họ ít được thực hiện kỹ năng này từ nhỏ.

Tiêu xài không kế hoạch

Ăn chung cũng là một cách tiết kiệm của sinh viên.

“Khi chân ướt chân ráo lên Hà Nội học đại học, chị gái tôi đã bảo, em phải đi làm thêm. Chị sẽ lo chỗ cho mà đi làm”, Hoàng Nam (Nam Định) nói. Và việc đi làm của cậu sinh viên trẻ thực sự đa dạng. Lúc đi làm gia sư kiếm tiền, lúc lại phát tờ rơi quảng cáo... Vì thế, thay vì chỉ tới giờ thì ăn, tới buổi là học như ngày ở nhà, cậu phải lập một thời khóa biểu, cũng như kế hoạch chi tiêu nghiêm chỉnh.

“Tôi được chị hướng dẫn thành lập cả quỹ dự phòng mỗi tháng. Nếu còn tiền cũng không được tiêu mà phải để dành. Nhưng chính vì chị tôi nghiêm túc kiểm tra, giám sát nên tôi đã dần dần tự quản được cuộc sống. Thậm chí, tôi còn có tiền dư để thỉnh thoảng cho bạn vay”, Nam tự hào.

Không phải ai cũng có một người chị như Nam. Bởi, như Ngọc Hà một sinh viên ở Thanh Hóa lên Hà Nội học chia sẻ: “Ngay cả với người biết nghĩ, quản lý tài chính vẫn là vấn đề đau đầu của sinh viên. Tiền bố mẹ cho có hạn, tiền phải chi lại nhiều- từ tiền học đến tiền trọ, tiền cơm đến tiền sách vở, đi lại... Làm thế nào để rải được tiền từ đầu đến hết tháng”.

Lên Hà Nội, Hà được bố mẹ cho một khoản tiền “ấm” là 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Tiền học, tiền trọ mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng. Còn 2 triệu đồng còn lại với cô lúc nào cũng là đầu tháng xông xênh ăn phở, cuối tháng cạn ví ăn mỳ, thậm chí là mỳ cân cho rẻ. “Nhiều lúc ngồi nghĩ, thực ra số tiền bố mẹ cho cũng không ít, thế mà mình vẫn rơi vào cảnh chi tiêu giật cục, chả có kế hoạch gì”, Hà “tổng kết”.

Cách tiêu tiền kiểu như Hà thực ra không hề cá biệt. Một nghiên cứu về việc dạy trẻ tiêu tiền có tên “Trẻ em với tiền” do các nhà tâm lý học thực hiện trên bốn nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cho thấy, hầu hết thiếu niên Việt Nam, không giữ được tiền lâu và chủ động sử dụng tiền. Các em không được bố mẹ cho tiền một cách ổn định, theo kỳ hạn (theo tuần/tháng), mà chỉ được cho khi các em có nhu cầu về đồ dùng nào đó và hỏi xin bố mẹ.

Lỗi tại cha mẹ

Vì không được rèn luyện quản lý tiền ngay từ nhỏ, nên khi bước vào cuộc sống sinh viên, các em thực sự khủng hoảng vì khó khăn trong tự lập. Được cầm một khoản tiền quá lớn so với những gì mình từng tiếp xúc trước đó, các em không thể định lượng được nó chỉ đủ cho những việc gì. Vì thế, việc sử dụng số tiền này sao cho hợp lý là điều quá sức với các em. Sau việc chi quá tay là những ngày ăn mỳ tôm suông, hoặc không được thi vì chưa đóng tiền học. Nhiều sinh viên sau những ngày tiêu xài quá tay, lầm vào cảnh nợ nần, không còn tiền ăn, tiền học đã phải bỏ học, hoặc phải học lại...

Chưa kể, với việc chi phí cho học tập, ăn ở, đi lại càng ngày càng khó khăn như hiện nay thì việc sinh viên chủ động “vào đời” cũng khiến gánh nặng với gia đình được vợi đi.

Việc “ủ” con quá lâu xét cho cùng cũng có lỗi của phụ huynh. Vì quá muốn bảo bọc con trong hoàn cảnh mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con, các bậc cha mẹ luôn có xu hướng lo cho chúng “từ A đến Z”. Chính vì thế, rời nhà, các em bỡ ngỡ không biết xử trí thế nào với chuyện tự quản: từ bếp núc, đến quần áo, giặt giũ, kết bạn... Chính vì thế, rào cản này mau chóng trở thành rào cản với việc học tập của các em.

Để các em chủ động bước vào cuộc sống tự quản, tự lập, phụ huynh cần xem lại cách giáo dục tính tự lập của con. Việc rèn luyện khả năng quản lý công việc, quản lý tài chính là rất cần thiết cho những người trẻ khi chuẩn bị xa gia đình.

Cầm Trang