01:14 13/01/2017

Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững

Đây là nội dung Hội thảo khoa học do Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 13/1, với gần 70 chuyên gia, các nhà khoa học chuyên ngành của các trường đại học và các viện nghiên cứu tham dự.

Kết quả khả quan


Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thắng cho biết: Sinh thái nhân văn là khoa học nghiên cứu quan hệ giữa con người và môi trường thiên nhiên ở mức độ hệ thống. Bao gồm hệ xã hội và hệ tự nhiên (hệ sinh thái). Tiếp cận hệ thống đã được áp dụng trong tất cả các nghiên cứu sinh thái nhân văn. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các giá trị đạo đức, nghĩa vụ tôn trọng thiên nhiên, quan tâm đến người khác; biết chia sẻ công bằng phúc lợi và chi phí trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường giữa các cộng đồng, giữa người nghèo và người giàu, giữa thế giới hiện tại và tương lai.


Theo TS Nguyễn Thị Phương Loan, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, sinh thái nhân văn học được Giáo sư Tiến sĩ Lê Trọng Cúc, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa vào giảng dạy và nghiên cứu ở Việt Nam từ những năm 1980. Bắt đầu từ đây, sinh thái nhân văn bắt đầu “bén rễ” vào các công trình khoa học cơ bản và ứng dụng, cũng như “kết trái” thành các bài giảng trong những khóa học ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng tại Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường. Sau đó trở thành môn học chính thức trong chương trình đào tạo cử nhân mã ngành “Khoa học môi trường”, thạc sĩ ngành “môi trường phát triển bền vững” tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Một góc TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang có các thế mạnh về sinh thái nhân văn. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Khởi đầu của sinh thái nhân văn học là giai đoạn thực hiện Chương trình cấp nhà nước 5202 “Nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” từ năm 1981-1990. Đây là chương trình đã tập hợp được các chuyên gia hàng đầu, mở ra mối quan tâm tập trung vào nghiên cứu đánh giá sử dụng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt là ở các khu vực miền núi, trung du, rừng ngập mặn cửa sông cửa biển và các vấn đề môi trường bức xúc.
Từ năm 1989, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu sinh thái nhân văn được thúc đẩy mở rộng, với Hội thảo “Nghiên cứu sinh thái nhân văn miền núi” lần đầu tiên được tổ chức có sự tham gia của các chuyên gia Hoa Kỳ, Philippin, Thái Lan từ Trung tâm Đông Tây, mạng lưới hệ sinh thái nông nghiệp các trường đại học tổng hợp Đông Nam Á.
Những năm 1990, trong quá trình chuẩn bị và thành lập Khoa Môi trường tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Một hợp tác quốc tế quan trọng và có ý nghĩa đã được thiết lập giữa các chuyên gia môi trường tại đây và nhóm nghiên cứu của Giáo sư Luck Hen, Khoa Sinh thái Nhân văn Đại học tự do Vương quốc Bỉ. Nhờ mối liên kết này, Khoa Môi trường nhận được một danh mục các sách giáo khoa mới nhất về môi trường của quốc tế, qua đó thiết lập được kênh đào tạo nâng cao năng lực cho giảng viên và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sinh thái nhân văn cho Việt Nam.


Mở rộng nghiên cứu


Hội thảo đã giới thiệu cuốn sách “Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững” của Giáo sư Lê Trọng Cúc. Theo nhận xét của tác giả, khái niệm sinh thái nhân văn đã được áp dụng vào một số nghiên cứu của Việt Nam từ năm 1989, tập trung vào 3 vấn đề cơ bản: Các dòng năng lượng, vật chất và thông tin từ hệ tự nhiên đến hệ thống xã hội, từ hệ thống xã hội đến tự nhiên như thế nào? Hệ thống xã hội thích nghi và phản ứng ra sao trước những thay đổi trong hệ tự nhiên? Những hoạt động của con người đã gây nên những tác động gì đối với hệ tự nhiên?


Như vậy, mục đích của nghiên cứu sinh thái nhân văn là tìm hiểu và nhận biết các đặc điểm và quan hệ qua lại giữa các hệ thống này với nhau, hình thành những hình thái đặc trưng trong hệ sinh thái nhân văn, thông qua các dòng vật chất, năng lượng và thông tin. Các nghiên cứu sinh thái nhân văn cũng đã đề xuất các giải pháp nhằm góp phần quản lý tài nguyên rừng. Đồng thời nâng cao đời sống người dân dựa trên các kết quả nghiên cứu sinh thái nhân văn-bà Phan Thị Anh Đào, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận xét.


Tại Hội thảo này, các nhà khoa học đã trình bày các nghiên cứu về: Vai trò của chi trả dịch vụ môi trường rừng trong quản lý rừng dựa trên cơ sở cộng đồng-Trường hợp nghiên cứu tại bản Duống, xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể (Bắc Kạn); Biến động kiến thức bản địa của người Thái trong canh tác đất dốc ở vùng ven thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La; Một số vấn đề trong giảng dạy sinh thái nhân văn tại các trường đại học Việt Nam…


Các chuyên gia và các nhà khoa học đều cho rằng, sinh thái nhân văn ở Việt Nam đã được ứng dụng rộng rãi, trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu về hệ thống tự nhiên, môi trường và xã hội. Đặc biệt đối với hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái nhân văn ở vùng đồng bằng, trung du, miền núi. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thêm hướng nghiên cứu liên quan tới hệ sinh thái nhân văn đô thị, hệ sinh thái nhân văn công nghiệp và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.


Văn Hào (TTXVN)