07:17 15/07/2018

Sinh hoạt truyền thống Cựu thanh niên xung phong tại Trung ương Cục miền Nam

Trong 2 ngày 14-15/7, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam tổ chức sinh hoạt truyền thống nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập lực lượng thanh niên xung phong (15/7/1950-15/7/2018) tại Khu di tích Lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Chú thích ảnh
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Vũ Trọng Kim chủ trì hội nghị ngày 14/7. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và hơn 250 đại biểu là Cựu thanh niên xung phong trong cả nước đã về dự.

Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết, qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, lực lượng thanh niên xung phong đã có hơn 6.000 người hy sinh, gần 43.000 người bị thương, 18.000 người và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam.

Những địa danh như Núi Hồng, Nà Cù, Cò Nòi, Pha Đin, Chăn Nưa, đường Hạnh Phúc, đường 12B Hòa Bình, đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, Khu kinh tế Thanh Sơn, ga Lưu Xá, ga Núi Gôi, Hàm Rồng, Truông Bồn, Đồng Lộc, Đường 20 "Quyết Thắng", Đường 10 Đông Trường Sơn, Căn cứ Nước Oa, Đa Kai, Xà Môn, Đường 1C, Đồi 82 Tân Biên, Long Phước... đã trở thành những địa danh, di tích lịch sử in đậm chiến công của thanh niên xung phong.

Những tập thể thanh niên xung phong hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ như gần 100 thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Cò Nòi (Sơn La), 67 thanh niên xung phong hy sinh tại con đường chiến lược tại Lai Châu - Ma Lù Thàng, 60 thanh niên xung phong hy sinh tại Ga Lưu Xá (Thái Nguyên), 23 thanh niên xung phong Thái Bình hy sinh tại Ga Núi Gôi (Nam Định), 13 thanh niên xung phong hy sinh tại Truông Bồn (Nghệ An), 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tỉnh), 8 thanh niên xung phong hy sinh tại hang "Tám cô" (Quảng Bình), 24 thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh... đã trở thành những tượng đài, văn bia, khu tưởng niệm nổi tiếng.

Những khu di tích thanh niên xung phong đã được xây dựng lớn, thường xuyên tôn tạo, có giá trị tinh thần vệ quốc vĩ đại và truyền thống cách mạng vẻ vang, góp phần tích cực giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và nhân dân cả nước như: Nà Cù, Cò Nòi, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang "Tám cô"... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa danh, di tích lịch sử của thanh niên xung phong chưa được cấp có thẩm quyền công nhận, xếp hạng, chưa được đầu tư xây dựng, tôn tạo hoặc xuống cấp, chưa phát huy tác dụng xứng tầm với truyền thống cách mạng và sự hy sinh to lớn của lực lượng thanh niên xung phong; tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của các cựu thanh niên xung phong...

Trước đó, tối 14/7, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh và hơn 1.000 đoàn viên thanh niên trong tỉnh tổ chức đêm lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82, huyện Tân Biên, nơi yên nghỉ của hơn 13.600 liệt sĩ từ mọi miền Tổ quốc đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam cũng đã trao tặng 3 căn nhà vì nghĩa tình đồng đội (mỗi căn trị giá 60 triệu) cùng 30 suất quà (1 triệu tiền mặt và quà tặng) cho cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Tây Ninh. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng quỹ nghĩa tình đồng đội cho Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam 110 triệu đồng, Báo Tiền Phong cũng gửi tặng 50 triệu đồng.

Cũng trong ngày 14/7, tại Hội trường Tỉnh ủy Tây Ninh, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong đã tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất xây dựng các di tích lịch sử thanh niên xung phong.

Tin, ảnh: Lê Đức Hoảnh (TTXVN)