10:15 08/10/2020

Sinh động 'Hà Nội trong tôi lần thứ 15'

Sáng 8/10, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Câu lạc bộ Nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội và Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi lần thứ 15 - năm 2020” với chủ đề “Tự hào Thăng Long - Hà Nội”.

Chú thích ảnh
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Triển lãm diễn ra nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Triển lãm giới thiệu tới công chúng 70 bức ảnh sinh động, ghi lại những góc nhìn chân thực của các nhiếp ảnh gia, các nhà báo về những sự kiện, những khoảnh khắc hay những khung cảnh của Hà Nội trong bề dày văn hóa ngàn năm, đồng thời thể hiện một Hà Nội hôm nay đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày càng hòa nhập với quốc tế trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm ảnh. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Phát biểu khai mạc triển lãm, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết, trải qua 15 năm, triển lãm đã trở thành sự kiện văn hóa thường niên nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh, đồng nghiệp báo chí và công chúng đến với triển lãm ngày càng đông hơn, điều đó thể hiện chất lượng tác phẩm đã gây chú ý, tạo nên thương hiệu cho Triển lãm “Hà Nội trong tôi”. Chắc chắn sẽ không dừng ở con số lần thứ 15, Triển lãm “Hà Nội trong tôi” tiếp tục hứa hẹn mang lại nhiều tác phẩm nhiếp ảnh giàu tính nghệ thuật cho người yêu Hà Nội.

Triển lãm được Ban tổ chức chia làm 3 phần: Phần 1: Hà Nội năng động, sáng tạo, giàu bản sắc truyền thống, thân thiện, hội nhập. Phần 2: Hà Nội - Thành phố xanh, văn minh và hiện đại. Phần 3: Những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Hà Nội trong phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm ảnh. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Phần 1 là các tác phẩm thể hiện hình ảnh đan xen của một Hà Nội giàu truyền thống nhưng cũng đang mang trên mình tinh thần hội nhập sâu rộng, như “Đền quán Thánh” (tác giả Nguyễn Tuấn Anh), “Vẻ đẹp chùa Trấn Quốc” (tác giả Hoàng Như Thính), Ô Quan Chưởng ngày nay (tác giả Nguyễn Bảo Thoa)…

Phần 2 “Hà Nội - Thành phố xanh, văn minh và hiện đại” được xem như bức tranh lớn thể hiện những mảng màu của đô thị hiện đại, với những công trình mới, bề thế nhưng vẫn mang dấu ấn riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó là công trình mang giá trị cao về nghệ thuật, đang là biểu tượng về kiến trúc đô thị của Thủ đô như: Chợ Đồng Xuân (tác giả Trần Sơn), Nhịp cầu ký ức (tác giả Ngọc Tú)… Bên cạnh đó, đô thị Hà Nội nhìn từ trên cao, qua các góc chụp của tác giả đã thể hiện độ hoành tráng của các công trình như: Cầu Đông Trù (tác giả Công Tiến Thịnh), cầu Vĩnh Thịnh (tác giả Nam Khánh), Hoàng hôn cầu Nhật Tân (tác giả Nguyễn Văn Hải)…

Đặc biệt tại triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng hình ảnh về cây gạo bên Hồ Gươm tại cùng một vị trí, nhưng cách nhau 100 năm được chụp bởi 2 tác giả: Pierre Dieulfilr (chụp năm 1914) và Lê Huy Cường (chụp năm 2014). Cùng một vị trí, cùng cảnh vật nhưng qua 2 bức ảnh để thấy rõ sự thay đổi của Hồ Gươm sau 100 năm qua, từ đó giúp chúng ta mường tượng về sự chuyển mình phát triển của Hà Nội trong một thế kỷ.

Chú thích ảnh
Công chúng xem triển lãm. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Phần 3 là dấu ấn riêng biệt của triển lãm diễn ra vào năm toàn thế giới, trong đó có Việt Nam và cụ thể là Thủ đô Hà Nội chống dịch COVID-19. Điểm nổi bật của những bức ảnh này là thể hiện rõ hơi thở của cuộc sống, đậm tính thời sự, nhưng cũng phảng phất màu sắc nghệ thuật trong cái nhìn của một nhà nhiếp ảnh, một phóng viên đang là chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. Đó là một Hà Nội tĩnh lặng trên từng con phố trong những ngày giãn cách xã hội, thể hiện qua bức ảnh: “Khoảng lặng mùa dịch”, “Tĩnh lặng quảng trường”… của tác giả Ngọc Tú; nhưng trong cơn hoạn nạn lại là sự ấm lòng của những hành động đẹp được các phóng viên ghi nhận qua bức ảnh: “ATM gạo miễn phí - Ấm lòng mùa dịch” (tác giả Tuyến Híp), “Tiếp nhận yêu thương” (tác giả Trần Quân)…

Trải qua 15 năm diễn ra, Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” không chỉ từng bước khẳng định vị thế riêng trong làng nhiếp ảnh, mà còn góp phần cống hiến cho Hà Nội nhờ sự cộng hưởng những tình yêu Hà Nội của các tác giả, cả ban tổ chức và công chúng. Triển lãm trưng bày tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đến hết ngày 14/10.

Nguyễn Cúc (TTXVN)