06:17 26/06/2019

Singapore làm cách mạng nông nghiệp trên mái nhà, trong phòng thí nghiệm

Singapore là quốc gia có diện tích khiêm tốn nhưng lại là nơi đang nỗ lực thực hiện cuộc cách mạnh nông nghiệp với nông trại trên mái nhà, tôm trong phòng thí nghiệm…

Chú thích ảnh
Cây giống trồng trong nông trại trên mái nhà tại Singapore. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Singapore hướng tới mục tiêu đẩy mạnh tự sản xuất thực phẩm và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Singapore mới chỉ sản xuất 10% lượng thực phẩm cho 5,6 triệu người dân. Quốc gia này đã đề ra kế hoạch “30-30” hướng tới đến năm 2030 tăng lượng thực phẩm tự sản xuất trong nước lên 30%.

Thách thức của Singapore chính là diện tích. Trong 724 km vuông diện tích đất tại Singapore, chỉ có 1% dành cho nông nghiệp và chi phí canh tác cao hơn hẳn so với những quốc gia khác ở Đông Nam Á. Áp lực với nông dân tại đây là hưởng ứng lời kêu gọi từ chính phủ “trồng nhiều hơn với chi phí ít hơn”.

Giáo sư nông nghiệp Paul Teng tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết: “Mỗi khi nói về an ninh lương thực tại Singapore, tôi đều nhắc nhở mọi người đừng chỉ nghĩ về đất đai, hãy xem xét đến không gian”.

Số nông trại thẳng đứng ở Singapore đã tăng gấp đôi về số lượng trong 3 năm qua. Nông trại Sustenir Agriculture là một trong hơn 30 nông trại kiểu đó. Nông trại thủy canh này trồng các loại rau như cải xoăn, cà chua bi, dâu tây trong nhà và bằng ánh sáng nhân tạo.

 

Chú thích ảnh
Nơi nuôi cá nhiều tầng của Apollo. Ảnh: Reuters

Trong năm 2018, công ty Temasek ở Singapore và công ty Australia Grok Ventures đã đầu tư cho Sustenir Agriculture 22 triệu đô la Singapore.

Temasek cũng đầu tư cho tập đoàn nuôi trồng thủy sản Apollo để xây trại nuôi cá tự động cao 8 tầng. Apollo cho biết trại nuôi cá này mỗi năm sẽ cung cấp được khoảng 110 tấn cá.

Giám đốc điều hành của Apollo là ông Eric Ng đề cập đến tình trạng thủy triều đỏ trong những năm gần đây đã khiến cá nuôi của ngư dân chết nổi nhiều và nhận định: “Rất khó để nuôi trồng theo phương thức truyền thống”.

Chính phủ Singapore còn chi 144 triệu đô la Singapre dành cho nghiên cứu và phát triển thực phẩm. Bên cạnh đó là 63 triệu đô la Singapore được chi cho các công ty nông nghiệp sử dụng công nghệ để tăng sản lượng.

Singapore còn dự định đến giữa năm 2021 xây dựng nhà máy trồng cây trong nhà rộng 18 ha cùng nông trại côn trùng.

 

Chú thích ảnh
Dâu tây được trồng trong nhà dưới ánh sáng nhân tạo. Ảnh: Reuters

Một công ty Singapore hy vọng đưa công nghệ vào sản xuất thực phẩm số lượng lớn là Shiok Meats. Theo đó, Shiok Meats đặt mục tiêu trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới bán tôm có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm.

Trong quá trình này, người ta nuôi tế bào tôm trong các bể hợp chất dinh dưỡng. Sau 4 đến 6 tuần, người ta rút dung dịch này ra và thu được thịt tôm sống dạng viên nhỏ.

Sản xuất thịt tôm trong phòng thí nghiệm được đánh giá sẽ giảm tác động tới môi trường bởi các trang trại nuôi tôm truyền thống thường sử dụng thuốc kháng sinh cho tôm.

Giám đốc quản lý tại Temasek – ông Anuj Maheshwari - cho biết: “Ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến làm nông nghiệp trong thành thị trong bối cảnh áp lực môi trường và phát triển công nghệ đã thúc đẩy phương thức sản xuất thực phẩm mới”.

 

Chú thích ảnh
Cải xoăn từ nông trại thẳng đứng. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, không phải tất cả ý kiến đều ủng hộ nông nghiệp công nghệ cao này.

Ông William Ho, một nông dân 53 tuổi,  cho rằng Chính phủ Singapore đang dành quá nhiều tiền vào các công ty nông nghiệp công nghệ cao mà không theo dõi kết quả. Ông William Ho nói: “Nhiều công ty đó đã thất bại. Đó là lý do tôi luôn đặt câu hỏi tại sao chính phủ không đầu tư vào những người nông dân như chúng tôi. Chúng tôi thực tế hơn nhiều”.

Một rào cản đối với các nông dân thành thị là chi phí lớn đầu tư cho công nghệ khiến sản phẩm đầu ra của họ đắt hơn đối với nhiều người tiêu dùng.

Hà Linh/Báo Tin tức