09:19 20/09/2021

Singapore ‘đốt đuốc dò đường’ khi sống chung với COVID-19

Khoảng 82% dân số Singapore đã tiêm đủ hai liều vaccine và số ca tử vong ở nước này cũng mới chỉ dừng ở 60 ca tính từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Chú thích ảnh
Người dân Singapore tuân thủ quy định đeo khẩu trang và cài ứng dụng giúp truy vết nhanh chóng. Ảnh: AFP

Tháng 6 vừa qua, chính phủ Singapore cho biết sẽ chuyển sang chiến lược “sống chung với COVID-19”, tập trung vào theo dõi, khống chế các ổ dịch dựa trên chỉ số về tỉ lệ tiêm chủng vaccine và số ca nhập viện. Sẽ không còn có đóng cửa chặt, kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hay quy định làm việc tại nhà vốn được coi là những điểm đặc trưng trong kỉ nguyên đại dịch trên toàn thế giỡi.

Kể từ thời điểm đó, Singapore bắt đầu nới lỏng hạn chế. Nhưng thách thức đã lại xuất hiện trong tiến trình coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Bỏ giãn cách khiến số ca nhiễm tăng vọt. Kế hoạch mở cửa trở lại bị trì hoãn, nhiều quy định hạn chế được áp đặt trở lại.

Ngày 19/9, Singapore ghi nhận 1.012 ca nhiễm mới, trước đó một ngày là 1.009 ca. Số ca nhập viện trong ngày hai ngày 18-19/9 lần lượt là 873 và 863 ca, trong đó có 118 và 105 ca phải thở oxy, 21 và 18 ca phải chuyển điều trị tích cực tại các buồng ICU.

Chính phủ coi đây là tín hiệu về “chặng đường quanh co” mà Singapore sẽ phải đi theo và điều chỉnh để hướng đến tầm nhìn sống chung với COVID-19 thay vì loại trừ tuyệt đối đại dịch này. “Chúng ta đang trên bước đường chuyển tiếp để tiến đến trạng thái bình thường mới sống chung với COVID-19. Đó là một hành trình khó đoán định, đầy những khúc cua”, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nêu quan điểm tại cuộc họp báo trực tuyến hồi cuối tuần qua.

Số ca nhập viện tăng, nhưng đa phần trong số này (98%) đều thuộc diện không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Vì thế, giới chức y tế Singapore đang hối thúc người nhiễm bệnh đến các phòng khám đa khoa để dành chỗ cho các bệnh nhân nặng đến điều trị ở bệnh viện.

Cơ quan chức năng cũng đã mở rộng đối tượng điều trị, chăm sóc tại nhà, áp dụng cho toàn bộ đối tượng nhiễm bệnh là người trong độ tuổi từ 12-69 tuổi và đã tiêm đủ liều vaccine, không có triệu chứng nặng. Theo kế hoạch này, trung bình trong 10 người nhiễm bệnh sẽ có 7 người được điều trị tại nhà, giúp giảm sức ép lên hệ thống y tế và đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ, những người đã rơi vào tình trạng quá tải.

Trở về ý thức tuân thủ phòng bệnh cơ bản

Chú thích ảnh
Thủ tướng Lee Hsien Loong tiêm mũi vaccine tăng cường hôm 17/9. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Ong cho rằng Singapore với dân số 5,7 triệu người vẫn chưa tiến đến giai đoạn mà ở đó có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu tương tự như cúm mùa và có thể sống chung được. “Tôi sẽ chỉ gọi là bệnh đặc hữu nếu như một nửa bạn bè tôi nhiễm bệnh hoặc đã từng nhiễm bệnh. Ở thời điểm hiện tại, mới chỉ có 1 trên 10 hoặc 1 trên 20 bạn bè của ai đó nhiễm COVID-19. Trong trường hợp của tôi, chỉ có người nhà nhiễm bệnh, còn chưa có người bạn nào nhiễm cả”, ông Ong nói.

Theo Bộ trưởng Y tế Singapore, ngay cả khi SARS-CoV-2 chỉ gây nguy cơ nghiêm trọng với nhóm dễ bị tổn thương và chưa tiêm vaccine, việc sống chung với COVID-19 đồng nghĩa với việc nhiều biện pháp phòng bệnh mà Singapore từng áp dụng như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, làm việc tại nhà, tiệc tùng liên hoan tại nhà… vẫn cần phải được áp dụng trở lại trong tương lai gần.

“Singapore đã làm rất tốt việc phòng chống, ngăn ngừa đại dịch, với xét nghiệm diện rộng, truy vết nhanh, tiêm chủng vaccine và đẩy người dân tuân thủ các chính sách của chính phủ. Những biện pháp, cách làm này sẽ tiếp tục được duy trì, bởi đại dịch vẫn tiếp diễn trên toàn cầu, với sự xuất hiện của các biến thể lây lan mạnh hơn, cũng như chiến dịch tiêm chủng ì ạch ở nhiều khu vực trên thế giới”, Jeannette Ickovics, giáo sư tâm lý học và y tế công tại Đại học Yale-NUS tại Singapore đánh giá.

Theo bà Ickovics, vẫn phải bám vào nguyên lý cơ bản nhất của y tế cộng đồng: Tất cả đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh nếu còn ai đó dễ bị tổn thương trước COVID-19. Đó là lý do vẫn phải cẩn trọng trong thực thi chính sách. “Sống chung với COVID-19 bằng cách nào? Hãy quay trở lại những điểm cơ bản: Rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang, ra ngoài bảo đảm giãn cách, nếu thấy không ổn thì nên ở nhà. Hãy sắp xếp công việc hợp lý, đánh giá và vạch ra những việc cần làm, duy trì sự linh hoạt”, chuyên gia này nêu quan điểm.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (aljazeera)