07:05 27/07/2011

Siêu lạm phát 1923 tại Đức-Kỳ II: Ám ảnh bồi thường chiến tranh

Tiền quá nhiều, trong khi hàng hóa quá ít, đó là một tương quan dẫn tới lạm phát. Vì vậy, việc chính phủ quy định giá trần đối với những nhu yếu phẩm quan trọng hàng ngày như ngũ cốc và than cũng chẳng có ích gì.

Tiền quá nhiều, trong khi hàng hóa quá ít, đó là một tương quan dẫn tới lạm phát. Vì vậy, việc chính phủ quy định giá trần đối với những nhu yếu phẩm quan trọng hàng ngày như ngũ cốc và than cũng chẳng có ích gì. Những rào cản nhân tạo này chỉ tác động làm cho nạn lạm phát ngưng đọng và khối lượng tiền phải chi trả càng bùng phát mạnh mẽ khi chiến tranh kết thúc.

Quân Pháp tiến vào thành phố Essen, vùng Ruhr năm 1923, một lý do làm kinh tế Đức suy sụp.

Như vậy, nước Cộng hòa Weimar (được thành lập ngày 9/11/1918) không phải ngay từ đầu đã không có khả năng chi trả, nhưng không có sự tin tưởng để được vay tín dụng. Đây là một nhà nước mới hình thành đã bị lạm phát. Nhưng việc đồng tiền bị phá giá, lúc ban đầu chưa trầm trọng cũng có những tác động tích cực. Bởi vì so sánh với đồng đôla Mỹ, đồng bảng Anh hay đồng franc Pháp thì đồng mark yếu đã tạo điều kiện cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu trong thời kỳ đầu của nước Cộng hòa Weimar. Trong vòng một năm, nền công nghiệp đã tăng trưởng 20%. Năm 1922, tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới 1% và đồng lương thực tế tăng. Theo nhà sử học kinh tế Carl-Ludwig Holtfrerich, lạm phát đã giúp phục hồi các hoạt động kinh tế tư nhân.

Sự phát triển kinh tế mạnh sau chiến tranh càng đáng chú ý, vì cũng trong thời gian đó, phần còn lại của kinh tế thế giới lại đắm chìm vào suy thoái kinh tế sâu sắc. Mỹ và Anh chú ý tới sự ổn định của đồng tiền và chấp nhận tỉ lệ thất nghiệp cao tới 20%. Trong khi đó, chính quyền Cộng hòa Weimar lại xử sự ngược lại: Họ mua sự tăng trưởng cao và công ăn việc làm với cái giá là đồng mark bị hủy hoại.

Muốn đi mua hàng, người ta phải để tiền vào sọt khênh đi.


Mặc dù các chính khách ở Béclin không phải cố tình thúc đẩy lạm phát, nhưng họ cũng không làm gì nhiều để chống lại xu thế này. Chiến lược này một thời gian dài là dễ chịu, nhưng vô cùng nguy hiểm, như sau đó đã chứng tỏ.

Mức thâm hụt ngân sách khổng lồ và việc trả lãi liên tục gia tăng đã hạn chế khả năng hành động của các nhà chính trị Đức. Trước hết, sự bồi thường chiến tranh lớn cho những thiệt hại của đối phương đã làm nước cộng hòa non trẻ này bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngay từ hội nghị Versaille năm 1919, đoàn đại biểu Đức đã phàn nàn rằng hậu quả của việc bồi thường chiến tranh là “mọi niềm sáng tạo, sự hứng thú lao động, sự can đảm của doanh nghiệp ở Đức sẽ mất đi”, mặc dù vào thời điểm đó, người ta chưa xác định tổng số tiền phải đền bù là bao nhiêu.

Mãi sau đó, sự tranh cãi về mức độ đền bù mới công khai bùng nổ. Năm 1921, quân đồng minh xác định mức đền bù là 132 tỉ mark vàng (một mark vàng đương đương giá trị đồng mark vào năm 1913) và tới năm 1932, việc bồi thường bằng tiền và hàng hóa ước tính đã trả được 26 tỉ mark vàng, tương đương 10% thu nhập quốc dân hàng năm khi đó. Nói một cách khác, việc đền bù tuy có nặng, nhưng còn có thể chịu được.

Người ta đã phải in tiền mệnh giá tới hai trăm tỉ mark.

Tổng số tiền phải bồi thường không gây tác hại làm mất ổn định như sự không rõ ràng về mức độ phải bồi thường. Không những thế, bầu không khí trong Ủy ban bồi thường rất căng thẳng. Đặc biệt là người Pháp, do muốn báo thù thất bại quân sự năm 1871 nên không chịu khoan nhượng chút nào.

Vì vậy, việc cung cấp gỗ, than và cột dây điện thoại chỉ hơi chậm một chút đã đủ làm xung đột leo thang vào tháng 1/1923. Người Pháp đưa 100.000 quân vào vùng Ruhr, tiếp quản việc kiểm soát hầm lò và tịch thu than, làm cả vùng bị tê liệt, nguồn thu thuế quan trọng bị tắc nghẽn. Cả vùng Ruhr không được phép cung cấp than nữa. Nước Đức phải mua nhiên liệu với giá đắt từ nước ngoài, trả bằng ngoại tệ quý giá. Đồng thời hàng triệu người phải chịu đựng sự túng quẫn.

Sau này, thị trưởng thành phố Bochum Franz Geyer thừa nhận: “Cả đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy đông người bị đói lang thang như vậy!”.
Rất nhiều trẻ nhỏ bị mắc các bệnh do thiếu thốn như còi xương. Bệnh lao cũng tăng mạnh. Tại Mannheim, trong một khu phố có 220 hộ gia đình thì đã có 43 gia đình bùng phát bệnh lao phổi.

Dư luận khi đó đều nhất trí cho rằng người Pháp và thái độ cố chấp của họ là nguyên nhân gây ra hậu quả nặng nề này. Trong xã hội hình thành một sự chống đối người Pháp: Chủ các cửa hàng từ chối phục vụ người Pháp. Người dân bỏ sang đường bên kia nếu họ gặp người Pháp.

Ngay từ năm 1922, khi quân Pháp chưa vào vùng Ruhr, giá trị đồng mark đã liên tục tụt xuống. Bi kịch ngày càng trở nên trầm trọng, mức lạm phát tăng từ dưới 50% một năm, lên trên 50% rồi trở thành siêu lạm phát với mức trên 50% một tháng. Nhà nước dần mất quyền kiểm soát đối với giá trị đồng tiền.

Vũ Long (tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ 3: 2.800 loại tiền được lưu hành