08:16 31/08/2019

Siết chặt quản lý việc bán hàng trên Facebook

Trước việc diễn viên, MC thường livestream (phát sóng, tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội) để bán hàng, cũng như tình trạng rao bán các sản phẩm "nở rộ", đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội kiến nghị: Cần quản lý việc kinh doanh này như quản lý website thương mại điện tử (TMĐT).

 

Chú thích ảnh
Mặt hàng nước hoa ngoại được bán trên Facebook. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức.

Theo Cục QLTT Hà Nội, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân tự sản xuất hàng hóa, rồi đã thuê nghệ sỹ, diễn viên điện ảnh để quảng bá các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm trên Facebook, Zalo, Viber, mà không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước. Do có uy tín và hiệu ứng hình ảnh mạnh, nên khi diễn viên, ca sỹ, MC livestream thường thu hút cộng đồng mạng quan tâm và mua.

Cách đây gần 2 năm, dư luận ngỡ ngàng vì nhiều ngôi sao, người đẹp Việt như: MC Ốc Thanh Vân, Lã Thanh Huyền... có liên quan hoặc làm Đại sứ thương hiệu cho bà chủ có lô hàng mỹ phẩm giả lên tới 11 tỷ đồng là bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng trên mạng xã hội, nhiều "sao" Việt bị cắt ghép ảnh với nhiều mục đích tiếp thị bán hàng khác nhau. 

"Một số cá nhân, tổ chức còn đăng ký website thuê máy chủ đặt tại nước ngoài, nên việc xử lý vi phạm, thu hồi tên miền khó khăn và không khả thi. Không chỉ vậy, nhiều người tiêu dùng còn bức xúc khi tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ của họ bị các doanh nghiệp sử dụng phương thức TMĐT cung cấp cho bên thứ ba, gây ảnh hưởng đến sự an toàn và bảo mật thông tin của khách hàng. Việc xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng gặp khó khăn do doanh nghiệp đăng ký ‘ảo’. Các trang website TMĐT không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư…”, đại diện Cục QLTT Hà Nội nói.

Khó khăn nữa là các giao dịch, thanh toán trên mạng đều không có thật, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, nên khiến cơ quan QLTT không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn...

Chính vì vậy, đại diện Cục QLTT Hà Nội đề xuất với các cơ quan chức năng quản lý chặt các hình thức kinh doanh qua mạng. Đối với website TMĐT vi phạm, cần có biện pháp buộc tổ chức, cá nhân chủ sở hữu gỡ bỏ các thông tin vi phạm hoặc kiến nghị tổ chức quản lý, cung cấp dịch vụ thu hồi vĩnh viễn tên miền, gian hàng vi phạm.

Các cơ quan kiểm tra, xử lý như: Tổng cục QLTT cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, các nhà mạng và ngân hàng cùng quản lý, giám sát thông tin, số lượng, chủng loại hàng hóa, doanh thu của người kinh doanh để xác định có hay không hành vi vi phạm về hoạt động TMĐT; phối hợp với cơ quan quản lý thuế thường xuyên thanh tra, giám sát các hoạt động này tại các ngân hàng, các điểm dịch vụ chuyển phát hàng hóa các trang điện tử mua bán trực tuyến để tránh tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia trong ngành công nghệ, thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật đối với hoạt động TMĐT, để người mua hiểu được quyền và lợi ích của mình và nâng cao trách nhiệm của cơ sở kinh doanh bằng hình thức TMĐT, cũng như tạo điều kiện khuyến khích các nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng phát triển.

Minh Phương/Báo Tin tức