09:09 29/09/2018

Siết chặt hơn nữa công tác cán bộ trong ngành quản lý giáo dục

Từ những sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, cần siết chặt hơn nữa công tác cán bộ trong ngành quản lý giáo dục.

Vi phạm bê bối của ngành giáo dục

Trong những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã có những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia, năm nào cũng có những lùm xùm tiêu cực, nhưng đặc biệt năm nay đã có những sai phạm gian lận nghiêm trọng. Vụ việc đã thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan Thông tấn báo chí đưa tin, đến nay, đã có tới 3 vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 chính thức bị phát hiện tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. 

Chú thích ảnh
Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Sơn La) đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 đối tượng; khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú với 2 đối tượng liên quan đến sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hội đồng thi tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

Ngày 11/7, khi công bố điểm thi THPT Quốc gia của 63 tỉnh, thành phố, dư luận đã đặt ra nghi vấn điểm thi cao bất thường tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình khi số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên 3 môn xét tuyển chiếm 1/3 cả nước.

Sự việc được đưa ra ánh sáng khi thầy giáo Trần Mạnh Tùng - Giáo viên trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cùng thầy Vũ Khắc Ngọc - chuyên gia đến từ Hệ thống giáo dục Học Mãi là 2 trong 3 thầy giáo đầu tiên phát giác, tố cáo những tiêu cực trong thi cử ở tỉnh Hà Giang. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc kịp thời và tích cực, cùng với sự hỗ trợ của công an, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên sự việc đã nhanh chóng đưa ra những sai phạm nghiêm trọng tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.

Kết quả điều tra cho thấy cụm thi tại tỉnh Hà Giang có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm, cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Cũng giống như tỉnh Hà Giang, tại tỉnh Sơn La và Hòa Bình, qua chấm thẩm định, một số thí sinh từ thuộc diện điểm cao đã phải hạ điểm. Tại Sơn La một số thí sinh ban đầu có điểm Lý và Hóa đều trên 9.5 điểm Toán xấp xỉ 9, nhưng sau khi chấm lại lần lượt là 2; 2,5 và 0,75. Tại Hòa Bình, qua thống kê cho thấy số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên là 27 em, chiếm 4,7% cả nước. Trong khi với đề thi Toán năm 2017 được đánh giá dễ hơn rất nhiều so với năm nay, cả tỉnh chỉ có 100 em đạt 9 điểm trở lên, chiếm 0,46% cả nước.

Những sai phạm diễn ra ở 3 tỉnh trên bị phát hiện một phần do năm nay Bộ GĐ&ĐT đưa ra bộ đề thi khó hơn nhiều so với các năm trước, nên những hành vi gian lận đó mới dễ dàng bị lộ. Có lẽ rất nhiều điểm thi nữa trong cả nước cũng can thiệp sửa điểm nhưng chưa hoặc không đến nỗi quá bất thường để bị phát hiện. Nếu gian lận chỉ ở 1-2 điểm sẽ rất khó phát hiện nhưng năm nay gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã làm quá “lộ liễu” mới bị phanh phui.

Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra mở rộng tuy chưa kết thúc, nhưng đã khởi tố, bắt tạm giam 9 cán bộ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo của 3 tỉnh liên quan trực tiếp đến sai phạm, gồm: 2 cán bộ tỉnh Hà Giang, 5 cán bộ tỉnh Sơn La và 2 cán bộ tỉnh Hòa Bình.

Những hậu quả khôn lường

Sự việc trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của xã hội vào nền giáo dục vốn đang có nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các em học sinh có liên quan, nhất là vào thời điểm các trường Đại học, Cao đẳng đã công bố điểm chuẩn và chuẩn bị năm học mới, ảnh hưởng cả thế hệ tương lai sau này của đất nước nếu như sai phạm trên không bị phát hiện.

Nếu sự việc vừa qua trót lọt, hệ lụy mang lại sẽ không hề nhỏ. Không chỉ là hàng trăm học sinh thiếu năng lực có thể được nhận vào trong những trường đại học hàng đầu, mà còn là từng ấy học sinh và gia đình bị mất cơ hội vào ngôi trường mình mơ ước.

Đương nhiên là còn chưa tính đến không biết bao nhiêu người bị mất niềm tin khi thấy những người có năng lực không hề tương ứng với điểm số trong một kỳ thi nghiêm túc bậc nhất quốc gia. Rồi về sau chính những con người thiếu năng lực này nhưng lại được đề cao bởi sự giả dối đó sẽ có thể tạo ra những hậu quả khôn lường cho những nơi họ tới làm việc.

Nếu dư luận, báo chí không lên tiếng cùng với sự vào cuộc điều tra của các cơ quan chức năng thì những vi phạm này rõ ràng đã được bao che và những người đứng đầu ngành giáo dục các tỉnh trên vẫn luôn khẳng định kỳ thi “nghiêm túc”, “trung thực”, “khách quan”, “không có tiêu cực”, “nghiêm ngặt, đúng quy chế”. 

Giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo 

Từ việc điểm thi cao bất thường tại tỉnh Hà Giang, mới phát hiện ra hàng loạt sai phạm vô cùng nghiêm trọng, mà nguyên nhân chính dẫn đến những sai phạm đó là từ những cán bộ quản lý giáo dục.

Chưa bao giờ dư luận lại lo ngại và bức xúc đến chất lượng cũng như tình trạng tiêu cực đang diễn ra trong ngành giáo dục, đặc biệt sau vụ việc rúng động vừa qua.

Khi “cơn bão” tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã thắng thắn nhấn mạnh: Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm mang tính có chủ đích.

Qua vụ việc có thể thấy tình trạng suy thoái trong tư tưởng, lối sống, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, sự bao che, quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ, biểu hiệu tiêu cực tham nhũng, lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thực thi công vụ. Qua đó cũng là hồi chuông thức tỉnh ngành giáo dục cần tăng cường siết chặt hơn nữa công tác đối với cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên.

Hành vi gian lận tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình được thực hiện chủ yếu bằng 2 hình thức là sửa trực tiếp trên bài thi gốc và sửa trên máy tính. Như vậy cho thấy khâu quản lý, giám sát chấm thi cực kỳ lỏng lẻo. Đặc biệt, các thành viên nằm trong hội đồng thi đã thông đồng với nhau, cùng vi phạm quy chế, tẩy, xóa đáp án cũ và tô lại đáp án mới cho thí sinh.

Để xảy ra những vi phạm trên một phần lớn do công tác quản lý lỏng lẻo, Điều lo ngại ở đây là tổ chức đảng, cấp ủy, cán bộ tham gia các công việc liên quan không làm hết trách nhiệm. Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan liên quan chưa được coi trọng hoặc như chưa thực sự thực hiện, thậm chí còn còn ủng hộ, bao che lẫn nhau vẫn luôn khẳng định “nghiêm túc” “không tiêu cực”. Đồng thời, cho thấy một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục đã bị tha hóa nghiêm trọng về tư tưởng, lối sống, đạo đức nghề nghiệp.

Qua những sai phạm này, người đứng đầu ngành giáo dục cần nhìn nhận một cách thẳng thắn những lỗ hổng về cơ chế, sự tha hóa của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, về công tác quản lý cán bộ.

Qua đó, cần siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đề ra các giải pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện các kỳ thi nghiêm túc, trung thực, công bằng và khách quan; xử lý nghiêm những sai phạm, có tính răn đe cao nhằm loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”, những mối nguy hại của nền giáo dục. Ngành giáo dục sẽ phải nỗ lực khắc phục những lỗ hổng, khôi phục lại niềm tin của xã hội.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa về tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên có tâm, có nhiệt huyết, tư tưởng vững vàng trước những cám dỗ, tạo ra đội ngũ đáng tin cậy, tận tụy vì sự nghiệp phát triển của nền giáo dục nước nhà.

Phạm Hương - Hải Yến