04:22 28/04/2016

Siết chặt hoạt động taxi

Trong khi giao thông nội đô rối như tơ vò, hạ tầng đầu tư không theo kịp sự gia tăng của phương tiện, thì hoạt động bát nháo của taxi đang càng làm cho giao thông đô thị thêm bí bách. Siết chặt hoạt động taxi là giải pháp cấp thiết hiện nay của các cơ quan chức năng tại các thành phố lớn.

Bát nháo… taxi

Không ít người dân Hà Nội mỗi khi bị ùn tắc trên các tuyến phố Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Lương Bằng -Tây Sơn, Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến… nhất là vào giờ cao điểm đều bức xúc khi chứng kiến đoạn đường tắc nghẽn có quá nhiều taxi chen chân. Có những đoạn ùn tắc chỉ dài chưa đầy 500 m, nhưng có cả trăm taxi đủ loại chen chúc, lấn hết phần đường xe máy…

Chiếm đến 90% lỗi vi phạm của taxi hiện nay là dừng đỗ không đúng nơi quy định. Cổng các bệnh viện, nhà ga, trung tâm thương mại… hàng ngày, gần như bất cứ giờ nào cũng đông nghẹt, tắc nghẽn vì số lượng lớn taxi, lẻn lỏi bắt khách. Có quá nhiều nguyên nhân khiến số lượng xe taxi tăng chóng mặt tại Hà Nội, nhưng cốt lõi là do việc quản lý cấp phép lỏng lẻo của các cơ quan chức năng và việc dễ dàng trong kinh doanh vận tải bằng taxi.

Taxi vào tận cửa ga Hà Nội đón khách.

Phóng viên thâm nhập thị trường vận tải taxi tại Hà Nội và phát hiện nhiều chuyện “giật mình”. Anh T.H, lái xe Taxi Gia Đình tâm sự: “Mấy anh em góp vốn hơn 300 triệu đồng mua chiếc Huyndai Gets rồi liên lạc với hãng nhờ góp cổ phần bằng xe, rồi xin gắn nhái lô gô, đèn, biển hiệu lên xe, thế là chạy bắt khách, chả cần phải xin phép ai. Tỷ lệ lợi nhuận chia theo thỏa thuận. Hàng tháng trừ các chi phí cố định cũng kiếm được 10 - 15 triệu đồng. Nếu bị lực lượng chức năng bắt giữ, thì nộp phạt hành chính là xong…”.

Thực trạng trên cho thấy hoạt động taxi tại Hà Nội hiện nay không theo luồng tuyến cố định như xe buýt hay xe khách, cộng với các điểm dừng đỗ thiếu trầm trọng, nên tất cả taxi đều chạy trên đường, hoạt động bất kể ngày đêm. Dễ kiếm tiền, dễ hoạt động, dễ trốn thuế, vì không ai quản lý số tiền kiếm được của các xe taxi… lý giải vì sao Hà Nội hiện có đến 80 hãng taxi, với gần 18.000 xe, chưa kể gần hàng nghìn taxi dù.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, số doanh nghiệp taxi có dưới 50 xe chiếm 43%, từ 50 - 100 xe chiếm 18%, trên 100 xe chiếm 39%, chủ yếu là xe cũ và chậm được thay mới. Bên cạnh một số hãng taxi lớn đã khẳng định được thương hiệu, uy tín, thì không thiếu doanh nghiệp chưa quan tâm đến chất lượng dịch vụ, làm ăn “chộp giật”, buông lỏng quản lý…

Doanh nghiệp taxi phải có tối thiểu 200 xe

Rõ ràng thị trường taxi tại Hà Nội bộc lộ quá nhiều mặt trái. Để đưa taxi vào hoạt động quy củ và nâng cao chất lượng, theo các chuyên gia, song song với giải pháp tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt, điều cốt lõi hiện nay là phải chấm dứt được tình trạng mua bán thương hiệu, kiên quyết ngừng cấp phép kinh doanh và chống thất thu thuế trong quá trình hậu kiểm taxi.

Hoạt động của taxi tại Hà Nội không theo luồng, tuyến, gây cản trở giao thông.

Trước thực tế bát nháo của taxi nêu trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy định doanh nghiệp taxi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải có tối thiểu từ 200 đầu xe (tăng 150 xe) so với quy định cũ vào dự thảo Nghị định 86/CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Ngoài ra, các doanh nghiệp taxi tại các tỉnh, thành phố khác phải có từ 20 đầu xe trở lên (tăng 10 xe so với quy định cũ).

Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Những quy định trong dự thảo về quy mô số lượng xe của các doanh nghiệp taxi nhằm mục tiêu là tạo ra những doanh nghiệp vận tải taxi đủ lớn, đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn, tiện lợi cho người dân. Doanh nghiệp không tích tụ sản xuất, không phấn đấu thành đơn vị có quy mô lớn, bằng lòng với việc hoạt động chỉ có vài đầu xe, không chỉ khiến thị trường vận tải manh mún, mà sẽ khó phát triển trong tương lai.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng: Ở các vùng ngoại ô của Hà Nội như: Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì... trước đây, khi Nghị định 86/CP quy định tối thiểu là 50 xe, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được đã phải giải thể. Chỉ cần đầu tư 10 xe sẽ mất 5 tỷ đồng, nếu 50 xe mất 25 tỷ đồng, còn nếu thêm 150 xe nữa phải mất thêm 75 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện được. Khi đó, ở Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất có thể sẽ là “vùng trắng” về taxi… Do đó, các cơ quan chức năng cần phải tính toán hiệu quả kinh tế, lộ trình thực hiện mới có thể hiện thực hóa quy định này.

Cùng quan điểm, ông Hồ Chương, Tổng Giám đốc Công ty CP Mai Linh Miền Bắc nhận định: Trong khi quy hoạch của địa phương không cho tăng xe, nhưng nghị định lại yêu cầu phải có quy mô lớn sẽ trái nhau. Vì vậy, cần có lộ trình phù hợp, cho phép doanh nghiệp 5 năm sau phải đạt được yêu cầu về quy mô. Nếu doanh nghiệp đạt được thì tiếp tục hoạt động, ngược lại nếu sau thời gian này, doanh nghiệp không đạt được quy mô xe theo quy định phải dừng hoạt động.

"Việc tăng thêm số lượng xe sẽ có điều khoản chuyển tiếp trong Nghị định 86/CP cho các đơn vị đã thực hiện. Các cơ quan quản lý nhà nước đều mong muốn doanh nghiệp phát triển. Quan điểm của Bộ GTVT là làm sao phát triển được hệ thống taxi vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ, vừa bền vững, minh bạch”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền khẳng định.


Bài và ảnh: Đăng Sơn