06:07 15/06/2016

Siết chặt an toàn giao thông đường thủy nội địa - Bài 1

Nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) rất đáng báo động, mà nguyên nhân chính là do các địa phương buông lỏng quản lý, kiểm soát phương tiện thủy trong một thời gian dài...

TÀU “3 KHÔNG”, BẾN KHÔNG PHÉP

Khảo sát các tuyến ĐTNĐ các tỉnh phía Bắc cho thấy, đáng lo ngại nhất là tình trạng tàu thuyền hoạt động “3 không”: không phương tiện cứu sinh, chữa cháy; không bằng lái; không đăng ký, đăng kiểm. Nhiều bến thủy hoạt động không phép, dẫn đến vi phạm tràn lan.

Chủ phà phớt lờ, hành khách chủ quan

Theo chân đoàn thanh tra Chi cục ĐTNĐ phía Bắc kiểm tra tình trạng mất ATGT tại các bến thủy trên sông Lô chảy qua TP Việt Trì (Phú Thọ) những ngày đầu tháng 6, mới thấy tình trạng coi thường tính mạng, chủ quan, xem nhẹ dụng cụ cứu sinh của cả chủ bến, lái đò và hành khách. Tại bến phà Máy Chai, trong vai những hành khách đi đò, đoàn thanh tra được chủ phà vội vàng lấy từ trong nhà kho ra mấy cái áo phao cứu sinh còn mới tinh trong ni lông để khách mặc “lấy lệ” khi phà chạy.

Trên phà PT 2000 quy định cho phép chở 25 người và 18 xe máy, nhưng chỉ có 5 - 6 cái phao cứu sinh cũ nát, được buộc chặt vào thành phà. Nếu có sự cố xảy ra, nguyên việc tháo những chiếc phao cứu sinh này ra cũng hết thời gian cứu người. Tấm biển “Nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thủy” bạc màu treo trên phà dường như không được những hành khách thường xuyên qua sông để tâm. Các bình chữa cháy đã cũ nát, rỉ sét, vứt lăn lóc ở góc phà không biết từ bao giờ...

Phà chở khách tại bến phà Máy Chai trên sông Lô (Phú Thọ) không đủ các điều kiện đảm bảo ATGT ĐTNĐ. Ảnh: Tiến Hiếu

Chị Dương Thị Ngà, một hành khách đi phà cho hay: “Chúng tôi biết quy định bắt buộc phải mặc áo phao có từ lâu nhưng rất bất tiện. Hơn nữa, lâu nay đi phà qua sông Lô tại bến thủy này, có bao giờ chủ phà yêu cầu hay đưa áo phao cho hành khách mặc. Hôm nay chắc có đoàn kiểm tra, hành khách mới được phát áo phao mới cho mặc, chứ sau đâu lại vào đấy mà thôi. Nếu có được thì những chiếc áo phao này đã cũ rách, có xuống nước chắc cũng không có tác dụng. Thà cứ phát cái cục xốp nổi đưa cho hành khách cầm còn an toàn hơn áo phao nếu có ngã xuống sông...”.

Khi được hỏi từ ngày 1/7/2016 tới đây, người đi thuyền đò không mặc áo phao sẽ bị phạt tới 200.000 đồng, ngang với hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy theo Nghị định 132/CP của Chính phủ có hiệu lực, chị Ngà chia sẻ: “Đến lúc đó rồi tính. Mà chắc gì đã xử phạt được theo quy định, mà phải lo xa. Hành khách đi trên phà, thì trách nhiệm đảm bảo ATGT, chấp hành quy định trước tiên là người quản lý bến thủy, sau đó đến lái phà. Trách nhiệm của họ là phải yêu cầu hành khách mặc áo phao trước khi qua sông. Do đó, phải xử phạt họ trước...”.

Trao đổi vấn đề này, anh Trần Văn Hưng, Quản lý bến phà Máy Chai thừa nhận chưa biết các quy định xử phạt tại Nghị định 132/CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ĐTNĐ từ ngày 1/7/2016 tới đây và sự chủ quan, thiếu tự giác của những người có trách nhiệm quản lý, điều hành, lái đò tại bến thủy này. Anh Hưng thừa nhận quy định mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi đảm bảo ATGT cho hành khách đi tàu thuyền qua sông đã có từ lâu, song việc thực hiện không thường xuyên, dẫn đến tình trạng bị bỏ quên lâu nay. Anh cam kết “sẽ khắc phục ngay”.

Bến phà Máy Chai chỉ là một trong số ít bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động trên sông Lô, còn tại các bến thủy không phép, thì thực tế còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Cả trăm bến thủy không phép

Tuyến ĐTNĐ chảy qua TP Hải Phòng dài 308,5 km, nhưng theo Cảng vụ Đường sông số 8 quản lý tuyến hiện có tới 136 bến thủy mở trái phép. Theo giải thích của lãnh đạo cảng vụ, phần lớn trong số này là các bến thủy đã được cấp phép trước đây theo Thông tư 25/2010/TT - BGTVT của Bộ GTVT, nhưng đã hết hạn đăng ký (quy định gia hạn 6 tháng đến một năm/lần tùy theo quy mô bến). Sau khi hết hạn, các bến thủy này “phớt lờ” hoặc chây ì không đi đăng ký cấp phép, mà cố tình hoạt động ngang nhiên. Bên cạnh đó là các bến thủy mọc tự phát, một số hộ chỉ xây một cái mố đắp cầu tàu giản đơn bằng đá hộc, bắc tấm gỗ và tham gia bốc xếp hàng hóa, vận tải thủy trên tuyến sông.

Tình trạng “trăm hoa đua nở” bến thủy trái phép nêu trên đã và đang tạo điều kiện cho hàng trăm phương tiện thủy nội địa “3 không” hoạt động khó kiểm soát trên tuyến. Anh Nguyễn Văn Sơn, Phòng Vận tải (Chi cục ĐTNĐ phía Bắc) cho biết: Thực tế trên không chỉ đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải thủy nội địa, bốc xếp hàng hóa giữa các bến thủy có phép và trái phép, giữa các tàu thuyền, mà còn vi phạm ATGT đường thủy, nguy cơ tai nạn cao.

Theo anh Sơn, vi phạm nổi cộm nhất hiện nay là vấn đề lái tàu không có bằng cấp hoặc mua bằng, lái tàu chở quá tải và xuất phát chủ yếu từ các bến thủy trái phép. Thậm chí người lái chủ yếu là do chủ tàu thuê, không có bằng lái, không am hiểu luồng lạch, luồng tuyến, chủ quan trong khi lái, bỏ lái làm việc khác, đến khi xảy ra đâm va không thể kiểm soát kịp. Tình trạng tàu thuyền vi phạm quy định về đăng ký phương tiện, thiếu trang thiết bị an toàn, không bố trí đủ định biên thuyền viên theo quy định. Ngoài ra, nhiều tàu thuyền chở quá khổ, quá tải không chấp hành quy định về khoang thông thuyền, chở vượt quá chiều cao an toàn cho phép, dẫn đến nguy cơ đâm va trụ cầu, cầu vượt trên các sông...

“Đây là những “lỗ hổng” khó kiểm soát, vì tuyến thủy nội địa qua từng địa phương nên thanh tra, Cảng vụ ĐTNĐ không có thẩm quyền xử phạt tàu thuyền vi phạm khi đang lưu thông, cộng với lực lượng quá mỏng, mỗi thanh tra Chi cục ĐTNĐ phía Bắc hiện quản lý gần 100 km ĐTNĐ, trang thiết bị cũng hạn chế, nên “lực bất tòng tâm”...”, anh Sơn chia sẻ.

Bài 2: Bất cập trong xử lý vi phạm
Đăng Sơn