07:10 05/07/2019

Sĩ quan Hồng quân mất cả hai tay vẫn anh dũng trở lại chiến trường

Người sĩ quan pháo binh cụt cả hai tay vẫn anh dũng trên trận địa đã trở thành một huyền thoại sống của Hồng quân Liên Xô.

Chú thích ảnh
Chiến sĩ pháo binh anh hùng Vasily Stepanovich Petrov. Ảnh: RBTH

Mặc dù mất cả hai tay trên chiến trường, Vasily Stepanovich Petrov vẫn không có ý định lùi lại hậu phương, thay vào đó anh quyết tâm trở lại với khói lửa của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Petrov tiếp tục chỉ huy một tiểu đoàn pháo binh và can trường chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ của mình.

Ngày 1/10/1943 là một ngày định mệnh với Đại úy pháo binh Vasily Petrov, người đã chỉ huy hai khẩu đội pháo trong Trận chiến Dnieper. Với tinh thần dũng cảm, ngoan cường, các pháo thủ Xô viết đã đẩy lùi bốn đợt tấn công của quân địch, phá hủy 4 xe tăng và 2 đại bác.

Nhưng trong trận đánh ở cầu Burkhin, những mảnh đạn pháo địch đã chém đứt sâu cả hai cánh tay của Petrov. Vài năm sau đó khi kể lại sự việc với báo chí, Petrov cho biết anh trúng đạn pháo vào nửa đêm. Các đồng đội đã nghĩ anh thiệt mạng và tỏa đi tìm xác thì sáng hôm sau phát hiện Petrov vẫn còn sống. Họ đã yêu cầu một bác sĩ phẫu thuật cho anh, dù ông cảnh báo Petrov có thể tử vong. Mạng sống của Petrov được cứu, nhưng cả hai cánh tay anh bị cưa. Người lính Vasily Petrov lúc này mới đối mặt với cuộc chiến khắc nghiệt nhất trong cuộc đời trận mạc của mình.

“Sáu tuần đầu trong bệnh viện trôi qua đầy đau đớn. Khi đi lại, tôi cảm thấy cơn đau không thể chịu được chạy khắp toàn thân, tôi thét lên cho đến khi kiệt sức. Rồi mọi chuyện cũng dần qua. Sau đó, khi cơn đau dịu đi, tôi mới nhận ra nỗi kinh hoàng thực sự của mình, dường như cuộc sống đã mất hết ý nghĩa. Để xua đi nỗi đau khổ tinh thần, tôi hút thuốc rất nhiều, có khi tới cả trăm điếu mỗi ngày. ‘Chuyện gì vậy? Tại sao số phận lại quá nhẫn tâm với tôi? Tôi tự hỏi mình và không có lời đáp”, Petrov kể lại.

Chú thích ảnh
Trận chiến Dnieper. Ảnh: TASS

Cuối cùng Petrov đã vượt qua được “con quỷ” bên trong con người mình và quyết định rằng: hai tay không còn, nhưng anh không mất đi sự sáng suốt và khả năng chỉ huy, anh sẽ trở lại mặt trận.

Viên sĩ quan pháo binh từ chối ở lại hậu quân, từ chối chiếc ghế thư ký cho một trong những ủy viên chính quyền ở Moskva. Mặc sự phản đối của các bác sĩ quân y và sỹ quan phụ trách nhân sự, Petrov trở lại đơn vị cũ, được các đồng đội nồng ấm chào đón.

Mặc dù Petrov không còn bắn được súng hay quăng lựu đạn, anh biết rằng những kinh nghiệm chiến đấu và huấn luyện tuyệt vời của mình sẽ là vô giá trong chỉ huy pháo binh.

Được thăng hàm lên đại tá, Vasily Petrov kết thúc cuộc chiến với cương vị Tư lệnh Trung đoàn Pháo binh chống tăng 248. Anh đã trải qua toàn bộ cuộc đại chiến ở nơi tiền tuyến, liên tục chỉ huy đội quân của mình trong mọi điều kiện hỏa lực mạnh của quân địch.

Ngay trước khi chiến tranh kết thúc, vào ngày 27/4/1945, trong một trận chiến ác liệt, Petrov còn tự mình chỉ huy tiểu đoàn tấn công và lại bị thương nặng. 

Chú thích ảnh
Anh hùng Liên Xô Vasily Petrov. Ảnh: RBTH

Hai lần được phong Anh hùng Liên Xô, được tặng Huân chương Lenin và Huy chương Cờ Đỏ, Vasily Petrov còn được lãnh tụ Stalin cho phép giữ chức vụ trọn đời trong Lực lượng vũ trang Liên Xô.

Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại kết thúc cũng không ngăn được cuộc chiến đấu của riêng Petrov. Ông làm tất cả để duy trì thể lực tốt và trạng thái tinh thần khỏe mạnh. Bất chấp những vết thương cũ, Petrov cố gắng đi bộ nhiều dặm hàng ngày và tập squat hàng trăm lượt.

Ông còn hoàn tất chương trình đại học dở dang và viết hàng ngàn trang hồi ký với sự trợ giúp của một cánh tay nhân tạo. Hồi ký của vị tướng cụt tay sau này được ra mắt với tựa “The Past with Us” (Quá khứ với chúng tôi) dài 2 tập.

Cuộc đời của Vasily Petrov không bao giờ tách rời quân ngũ. Sau khi Liên Xô tan rã, ông vẫn được duy trì chức vụ trong quân đội trọn đời, dù lúc đó chỉ còn là quân đội Ukraine. Tướng Petrov qua đời tại Kiev năm 2003 khi ông 81 tuổi.

Thu Hằng/Báo Tin tức