10:01 08/10/2022

Serbia và Croatia tranh cãi vì lệnh cấm vận dầu của EU với Nga

Gói trừng phạt thứ 8 của EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, theo đó các nước Tây Balkan sẽ không được miễn trừ, trái với một số kỳ vọng trước đó.

Chú thích ảnh
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: aa.com.tr

Theo trang tin EURACTIV.com ngày 7/10, quyết định của EU cấm vận chuyển dầu của Nga tới Serbia đã dẫn đến một cuộc tranh cãi gay gắt dữ giữa các nhà lãnh đạo của Serbia và Croatia bên lề hội nghị thượng đỉnh quốc tế đang diễn ra ở Praha, CH Séc.

Gói trừng phạt thứ 8 của EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, theo đó các nước Tây Balkan sẽ không được miễn trừ, trái với một số kỳ vọng trước đó.

Serbia - một ứng cử viên của EU và là một trong số ít quốc gia châu Âu không tham gia lệnh trừng phạt Nga của phương Tây - nhập khẩu tất cả dầu từ Nga, nước mà Gazprom cũng kiểm soát công ty khai thác dầu chính của Serbia, NIS.

Cho đến gần đây, Serbia vẫn hy vọng rằng nhà điều hành đường ống của Croatia JANAF sẽ tiếp tục vận chuyển dầu thô của Nga, được đưa đến Croatia trên các tàu chở dầu, tới NIS, theo thỏa thuận đã ký hồi tháng 1/2022. Nhưng điều này đã kết thúc với lệnh trừng phạt mới nhất.

Trước cuộc họp khai mạc của Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Praha, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói với các phóng viên rằng Croatia đã “khoe khoang và ghi nhận lệnh cấm hoàn toàn đối với vận chuyển dầu của Nga, nhưng Zagreb sẽ không thể khiến Serbia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva".

Trước đó, phát biểu trên kênh truyền hình Serbia, Thủ tướng nước này Ana Brnabić tuyên bố "đây là một hành động thù địch công khai của Croatia chống lại Serbia".

Đáp lại, Thủ tướng Croatia Andrej Plenković cho biết tại Praha rằng lệnh cấm dầu không phải là quyết định của riêng Croatia. “Đó không phải là quan điểm của chúng tôi; đó là lập trường của EU. Các quốc gia tham dự hội nghị trước hết nên tôn trọng chế độ trừng phạt Nga và thể hiện tình đoàn kết với Ukraine”, ông Plenković nói.

Theo ông Plenković, Serbia vẫn có thể nhập khẩu dầu từ bất kỳ đâu "ngoại trừ Nga, vận chuyển đến cảng Adriatic của chúng tôi và qua đường ống của chúng tôi tới Serbia mà không gặp bất kỳ vấn đề gì”.

Nhưng ông Plenković nhắc lại rằng mối quan hệ của Belgrade với Moskva ngày càng gây ra mối quan ngại đối với ky vọng của EU. "Serbia không thể mong đợi sự tiến bộ trên con đường hội nhập châu Âu của mình trong khi không tôn trọng các biện pháp trừng phạt Nga", ông Plenković nêu rõ.

Công Thuận/Báo Tin tức