12:10 29/12/2011

“Sến” thịnh, “sang” suy…

Ở lĩnh vực âm nhạc, trong thời gian gần đây, nhạc “sến” đang hưng thịnh, tấn công và chiếm lĩnh các nhà hát, còn nhạc “sang” thì rời nhà hát để… xuống đường. Đó là thực tiễn mà ai cũng thấy.

Ở lĩnh vực âm nhạc, trong thời gian gần đây, nhạc “sến” đang hưng thịnh, tấn công và chiếm lĩnh các nhà hát, còn nhạc “sang” thì rời nhà hát để… xuống đường. Đó là thực tiễn mà ai cũng thấy.

Nói nhạc “sến”, nhạc “sang”, bài viết này không hề có ý phân biệt sang hèn, chỉ là nói theo cách mà showbiz Việt thường dùng. Và nhạc “sang” trong bài này, là muốn ví von chỉ dòng nhạc hàn lâm (sang hơn cả nhạc “sang”).

Nhạc “sến” hay nhạc “sang” đều là món ăn tinh thần, ai muốn thưởng thức loại nào cũng được, miễn là nó đem lại sự hạnh phúc khi nghe. Nhưng với giới âm nhạc, thì có phân biệt rõ ràng - tầm mức nghệ thuật của nhạc “sang” cao hơn nhạc “sến” - nhạc hàn lâm còn cao hơn nhiều, bởi từ lâu nó được xem là tài sản âm nhạc quý giá của nhân loại.

Nhưng vấn đề là đa số công chúng Việt Nam hiện nay không thích nghe nhạc “sang” mà khoái nghe nhạc “sến”. Cái này thuộc về sở thích, cũng như thịt bò giàu dinh dưỡng hơn mắm tôm rất nhiều, nhưng nhiều người ăn mắm tôm lại khoái khẩu, cảm thấy hạnh phúc hơn ăn thịt bò.

Tuy nhiên, nếu trong một quốc gia mà người người, nhà nhà ăn mắm tôm liên tù tì 365 ngày trong một năm, chắc chắn dân tộc đó sẽ không có được thể chất cường tráng, mà “thân thể có tráng kiện thì tâm hồn mới minh mẫn”.

Một trong những nhiệm vụ lớn của ngành văn hóa ở mọi quốc gia là làm sao để nhân dân của mình thưởng thức loại âm nhạc được xem là tài sản quý của nhân loại như đã nói trên. Nhưng ở Việt Nam thì công việc này xem ra còn lắm gian nan.

“Sang”, “sến” đổi chỗ

Nhà hát TP.HCM và Nhà hát Lớn Hà Nội được xem là 2 lâu đài nghệ thuật, nơi ngự trị của các dàn nhạc giao hưởng, của những loại hình nhạc hàn lâm. Nhưng trong thời gian gần đây, Nhà hát Lớn Hà Nội đã bị làn sóng nhạc “sến” tấn công. Tuấn Vũ chiếm lĩnh hàng chục đêm, rồi các live show của Quang Lê, Mai Quốc Huy (được xem là “truyền nhân” của vua nhạc sến Chế Linh)… gần đây nhất là ca sĩ Thanh Tuyền. Nếu không có những rắc rối trong tổ chức biểu diễn, vua nhạc sến Chế Linh cũng đã cất cao giọng hát tại lâu đài âm nhạc giữa thủ đô.

Biểu diễn nhạc hàn lâm trên đường phố Hà Nội.


Còn ở Nhà hát TP.HCM thì từ nhiều tháng nay, 1 live show nhạc “sến” định kỳ hàng tháng của Đàm Vĩnh Hưng ngự trị, người xem tấp nập ra vào như ngày hội.

Nhạc sến trước đây chỉ trình diễn chủ yếu ở các phòng trà, nay đã “lên đời” vào nhà hát.

Nhạc “sang” thì ngược lại, vì quá nhiều người nghe nhạc “sến” mà ít người nghe nhạc hàn lâm, nên Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM đã phải có 1 đêm định kỳ hàng tháng biểu diễn “khuyến mãi” tại Nhà Văn hóa Thanh niên, chương trình này đặc biệt là có phần hướng dẫn để công chúng có thể bước đầu làm quen với nhạc hàn lâm. Mấy năm trước Nhà hát cũng đã “vi hành” xuống các trường đại học trong nỗ lực xây dựng công chúng cho loại hình nghệ thuật của mình.

Gần đây, ở Hà Nội có dự án đưa nhạc hàn lâm ra đường phố, nhưng cái cách này thì làm phong trào cho vui, không thuyết phục lắm. Hình như chúng ta hay nhân danh quần chúng để làm những việc đôi lúc phản nghệ thuật - đưa nhạc hàn lâm đến với công chúng để họ thưởng thức ngay trên đường phố.

Cái loại nhạc cần một không gian im lặng tuyệt đối, trong nhà hát khi đang biểu diễn âm nhạc hàn lâm, ai nói chuyện lớn tiếng một chút hoặc để điện thoại di động đổ chuông là sẽ nhận ngay những ánh mắt chẳng mấy thiện cảm. Đem loại nhạc này ra hè phố đông đúc, xe cộ ồn ào làm sao mà thưởng thức? Có chăng là sự hiếu kỳ của người đi đường, họ đứng lại xem như xem một vụ va quẹt xe, hoặc hai người xích mích định xông vào choảng nhau?

Nhưng nói gì thì nói việc đổi chỗ của nhạc “sang” và nhạc “sến” là một thực tế không thể chối cãi…

Đi tìm nguyên nhân

Có ý kiến cho rằng nhạc hàn lâm do nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn không hay nên không có khán giả, lỗi là của nghệ sĩ chứ không phải công chúng. Nếu nói như thế là không đúng. Dàn nhạc giao hưởng TP.HCM đã từng được mời đích danh để biểu diễn tại một liên hoan dàn nhạc giao hưởng quốc tế ở Nhật (tháng 10/2008). Mới đây (tháng 10/2011) Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam có chuyến biểu diễn tại Mỹ, trong đó có biểu diễn tại phòng hòa nhạc danh giá bậc nhất thế giới Carnegie Hall (New York) - phòng hòa nhạc mà những solist hoặc dàn nhạc nào muốn bước chân vào đây là phải có một đẳng cấp nghệ thuật thật sự, chứ không phải có tiền thuê chỗ là vào biểu diễn được. Dẫn chứng như vậy để thấy rằng nhạc hàn lâm của chúng ta cũng có tầm chứ không phải dở.

Có lẽ nguyên nhân là ở chỗ do dân ta thích nghe nhạc “sến” hơn thính phòng giao hưởng. “Sang”, “sến” thì thuộc về thẩm mỹ nghệ thuật, một hội nghị do Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa tổ chức ngày 27/12 vừa qua tại TP.HCM cũng là để nâng cao “thẩm mỹ nghệ thuật” này. Nhiều tham luận cho rằng không thể ngày một, ngày hai là có thể nâng cao nó được, mà nó cần một quá trình dài hơi. Chuẩn bị lớp công chúng này từ khi họ cắp sách vào trường tiểu học, họ phải được dạy một cách tử tế về các môn như nhạc, họa, văn học… để hình thành một mặt bằng thẩm mỹ nghệ thuật tương đối cao.

Vì vậy, xem ra còn lâu lắm, cho nên trong lúc chờ đợi, các bác nhạc thính phòng giao hưởng chịu khó tiếp tục… xuống đường, chứ biết làm sao được trước nhân tình thế thái này…

Theo thethaovanhoa.vn