04:21 17/04/2016

Séc cảnh báo có hành động pháp lý chống hạn ngạch di cư

Ngày 17/4, Thủ tướng CH Séc Bohuslav Sobotka cho biết nước này không thể loại bỏ hành động pháp lý nếu Liên minh châu Âu (EU) tìm cách áp đặt bất kỳ hệ thống hạn ngạch lâu dài nào về phân bổ người di cư.

Phát biểu tại một cuộc tranh luận, Thủ tướng Sobotka bày tỏ hy vọng phe đối lập cũng chia sẻ quan điểm tương tự và chính quyền sẽ có hành động pháp lý chống lại đề xuất này khi cần thiết.

Thủ tướng CH Séc Bohuslav Sobotka. AFP/TTXVN

Tuyên bố trên của người đứng đầu Chính phủ Séc được đưa ra ít ngày sau khi Tổng thống nước này Milos Zeman bác bỏ sáng kiến mới của Ủy ban châu Âu (EC) về thực hiện cơ chế ổn định nhằm phân bổ 120.000 người tị nạn giữa các quốc gia thành viên EU. Nhà lãnh đạo này cho rằng cơ chế phân bổ hạn ngạch người tị nạn sẽ không thể trở thành phương án hiệu quả nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay ở châu Âu. 

Nhà lãnh đạo Séc nhấn mạnh quốc gia mà người di cư hướng tới là Đức nên hệ thống phân bổ hạn ngạch sẽ không thể hoạt động. Bằng chứng là rất nhiều người tị nạn Iraq được phép tới Séc theo một dự án nhân đạo đặc biệt mới đây nhưng sau đó đã tìm cách đến Đức. Quỹ “Thế hệ-21” của Séc đã giúp 89 người tị nạn Iraq tới nước này với cam kết cung cấp nơi ăn chốn ở thích hợp và hỗ trợ tìm việc làm. Tuy nhiên, 25 người trong số này sau đó đã tới Đức.

Trước đó, ngày 6/4, Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans và Uỷ viên phụ trách di cư của EU Dimitris Avramopoulos đã công bố gói đề xuất mới về cải cách hệ thống tiếp nhận người tị nạn của EU. 

Theo đề xuất mới, EC đưa ra hai phương án cải cách, trong đó phương án một là tạo ra một cơ chế công bằng, có thể tái bố trí những người tị nạn đã đến các quốc gia nằm ở tuyến đầu tới một khu vực nào đó trong EU. Phương án hai có thể tạo ra một hệ thống mới, theo đó những người xin tị nạn sẽ được phân chia về các nước EU theo một tỷ lệ và tiêu chuẩn nhất định. 

Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho rằng hệ thống tiếp nhận người tị nạn theo quy tắc Dublin, vốn quy định những quốc gia đầu tiên người tị nạn đặt chân đến phải có trách nhiệm tiếp nhận, đã trở nên lỗi thời và bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, EU cần một hệ thống bền vững trong tương lai dựa trên những nguyên tắc chung, phân bổ người tị nạn có hiệu quả hơn.

Theo thống kê, hơn 1,2 triệu người di cư chủ yếu đến từ Syria đã tới "Lục địa Già" trong năm 2015. Rất nhiều cuộc họp cũng như giải pháp được đưa ra, song cho tới nay châu Âu vẫn lúng túng trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng khi không thể tìm được tiếng nói chung giữa các quốc gia thành viên. 

Kế hoạch phân bổ người nhập cư liên tục vấp phải sự phản đối của các quốc gia Đông Âu, trong khi thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ về việc trả người di cư về Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang vấp phải sự phản đối từ phía một số tổ chức quốc tế có ảnh hưởng lớn như Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).
TTXVN/Tin Tức