12:20 05/12/2019

SEA Games 30: Giải mã 'hiện tượng' U22 Campuchia 

Sau trận hòa 2-2 trước U22 Thái Lan, U22 Việt Nam đã đường hoàng bước vào Bán kết SEA Games 30 với ngôi đầu bảng B.

Đối thủ kế tiếp của thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo là U22 Campuchia - một hiện tượng thú vị ở SEA Games lần này. Các cầu thủ trẻ của HLV Felix Dalmas đã xuất sắc quật ngã đương kim Á quân U22 Malaysia 3-1 ở lượt trận cuối cùng để giành vị trí nhì bảng đấu (nhất bảng là U22 Myanmar) nhờ hơn chủ nhà U22 Philippines hiệu số bàn thắng bại (+6 so với +5).

Chú thích ảnh
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử U22 Campuchia giành vé vào bán kết SEA Games.

Thật ra, những ai từng chứng kiến U22 Campuchia thi đấu ở giải vô địch U22 Đông Nam Á 2019 thì sẽ hiểu việc họ lọt vào Bán kết môn bóng đá nam SEA Games 30 không phải một chiến tích quá bất ngờ. Ở giải đấu diễn ra trên sân nhà Phnom Penh, U22 Campuchia đã hạ gục cả U22 Malaysia (1-0) và U22 Myanmar (2-0) để lọt vào Bán kết với ngôi đầu bảng. Trong trận Bán kết, họ đã gây rất nhiều khó khăn cho U22 Thái Lan, khi chỉ chịu thua 3-5 trên chấm 11m. Ở trận tranh giải Ba, họ cũng chỉ thua U22 Việt Nam 0-1 sau bàn thắng duy nhất của Lê Xuân Tú ở phút 86.

Môn bóng đá nam SEA Games 30 có một số điểm tương đồng với giải U22 Đông Nam Á. Các đội bóng đều thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo như ở Phnom Penh, và cũng dưới thời tiết tương đối nóng (những trận đấu vừa qua đều có cooling-break). Xét về mặt này, U22 Campuchia quen thuộc hơn hẳn so với các đội bóng khác, và họ đã tận dụng tốt điều đó để giành được những kết quả thuận lợi.

Tất nhiên, U22 Campuchia vào Bán kết không chỉ nhờ yếu tố ấy. Đội hình tham dự SEA Games 30 cũng có một số thay đổi so với giải U22 Đông Nam Á. Ông Felix Dalmas đã bổ sung kinh nghiệm bằng hai tuyển thủ quốc gia quá tuổi là Keo Sokpheng và Reung Bunheing (cùng sinh năm 1992). Keo Sokpheng, tiền đạo có mẹ người Việt Nam và lớn lên tại Tây Ninh, đang là chân sút số một của đội với 3 bàn thắng. Kinh nghiệm của anh vẫn là điều mà hàng thủ U22 Việt Nam cần lưu tâm nhất. Ngoài ra, còn phải kể đến "thần đồng" 17 tuổi Sieng Chanthea. Chân sút đang khoác áo Bati Youth này cũng là người hùng giúp U19 Campuchia lần đầu lọt vào Vòng chung kết U19 châu Á với 4 bàn thắng.

Nhìn chung, U22 Campuchia không có nhiều khác biệt về lối chơi so với 9 tháng trước. Họ vẫn dựa trên lối đá phòng ngự phản công tương đối khoa học, nhưng đã mài giũa hàng công bằng những chân sút giàu kinh nghiệm và có điểm rơi phong độ tốt. Nhờ thế, đội bóng này được xem là có độ sắc sảo hơn nhiều so với ở giải U22 Đông Nam Á. Nhưng nên nhớ, U22 Việt Nam hiện tại cũng là sự nâng cấp so với giải đấu ấy, từ nhân sự trên sân, cho đến băng ghế huấn luyện. Có thể, sự hưng phấn sẽ giúp U22 Campuchia gây được khó dễ cho U22 Việt Nam ở trận đấu sắp tới. Song xét về sự đồng đều về con người, yếu tố kinh nghiệm, cũng như sự lão luyện trên ghế chỉ đạo, thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn được đánh giá cao hơn rất nhiều.

Bóng đá vẫn có chỗ cho những bất ngờ, song cũng có những giới hạn về đẳng cấp khó có thể vượt qua trong ngày một ngày hai. Việc bóng đá Campuchia chưa bao giờ thắng được Việt Nam là một minh chứng.

Tuấn Cương (TTXVN)