09:20 05/09/2014

Sẽ thành lập trung tâm ghép tạng trẻ em ở TPHCM

Từ ca ghép gan đầu tiên ở khu vực phía Nam được tiến hành tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 năm 2004, đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện được 8 ca ghép gan và 12 ca ghép thận.

Từ ca ghép gan đầu tiên ở khu vực phía Nam được tiến hành tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 năm 2004, đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện được 8 ca ghép gan và 12 ca ghép thận. Ngày 5/9, tại lễ tổng kết 10 năm chương trình ghép tạng, Tiến sĩ, bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: Những kết quả bước đầu này là tiền đề để thành lập Trung tâm ghép tạng trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

 

Theo các chuyên gia, ghép tạng là một kỹ thuật chuyên sâu, phức tạp, chi phí cao và chỉ thực hiện tại một số nước phát triển có nền y học tiên tiến. Trước đây, những bệnh nhi mắc bệnh phải ghép tạng hầu như không thể cứu chữa được tại Việt Nam. Theo y văn, tỷ lệ mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh là 1/15.000 trẻ mới sinh ra. Trung bình có khoảng 96 trường học trẻ sơ sinh mắc bệnh này ở Việt Nam mỗi năm, trong đó có phân nửa số trường hợp cần được ghép gan. Ngoài ra, trong một nghiên cứu dịch tễ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh lý gan mật chiếm 8% số trẻ đến khám cũng như nhập viện. Đối với bệnh lý thận niệu trẻ em, theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy, giai đoạn 2001-2005, có 310 trẻ dưới 19 tuổi đã phải nhập viện với chẩn đoán suy thận cuối. 

 

Xuất phát từ thực tế trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế thành phố với định hướng phát triển các kỹ thuật cao nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của bệnh nhi đã chọn Bệnh viện Nhi Đồng 2 làm cơ sở đầu tiên để triển khai ghép tạng cho trẻ em (ghép gan và thận). Dưới sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và huấn luyện từ phía vương quốc Bỉ và các đơn vị đầu ngành trong nước, tháng 6/2004, ca ghép thận đầu tiên ở khu vực phía Nam được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ngay sau đó, tháng 12/2005, bệnh viện thực hiện ca ghép gan đầu tiên. 

 

Đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện ghép được 8 ca gan và 12 ca thận từ người cho sống cùng huyết thống và là bệnh viện đầu ngành ở khu vực phía Nam thực hiện việc ghép tạng ở trẻ em. Mới đây nhất, ngày 4/9/2014, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện thành công ca ghép gan thứ 8 cho một bệnh nhi suy gan giai đoạn cuối, với người cho là mẹ của bé. Ở khu vực phía Bắc, Viện Nhi Trung ương cũng đã tiến hành 20 ca ghép thận và 8 trường hợp ghép gan. 

 

Đánh giá những kết quả trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về ghép tạng đánh giá cao nỗ lực rất lớn của đội ngũ, giáo sư, bác sĩ, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam đã vượt qua những thử thách, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu. Bên cạnh đó còn có sự nỗ lực rất lớn của các bệnh nhi ghép tạng và gia đình của các em đã góp phần vào sự thành công của ca bệnh. Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, hiện nay tại Việt Nam, ngoài Bệnh viện Nhi đồng 2, còn có Bệnh viện Quân y 103, Viện Nhi Trung ương thực hiện việc ghép tạng và sắp tới đây sẽ triển khai ghép tạng tại Bệnh viện Xanh-pôn (Hà Nội).

 

Hiện nay, ghép thận và ghép gan đã được công nhận như là một phương thức điều trị chọn lọc cho trẻ em bị suy thận hoặc suy gan vào giai đoạn cuối. Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore nên việc phát triển ghép tạng trên người cho chết não là nhu cầu cấp thiết, đặc biệt là đối với trẻ em. Bên cạnh đó, trung bình một ca ghép gan có tổng chi phí quá lớn (khoảng 200 triệu đồng) và một ca ghép thận (hơn 100 triệu đồng) đang là gánh nặng cho bệnh viện cũng như gia đình bệnh nhân. Trong khi đó, bảo hiểm y tế chưa chi trả cho người cho tạng là người lớn và việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch của bệnh nhi cho đến 18 tuổi cũng là khó khăn cho hầu hết các bệnh nhân được ghép tạng.

 

H.Chung