07:21 29/07/2021

Sẽ thành lập 12 trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 trên cả nước

Bộ Y tế vừa ra Quyết định phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng. Theo đó, sẽ có 12 trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 được thành lập trên cả nước.

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: BYT

Ngày 29/7, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng.

Theo nội dung Đề án, sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia trên cả nước đặt tại 12 bệnh viện lớn trên cả nước và các Trung tâm hồi sức tích cực vùng.

Cụ thể, ở các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại các bệnh viện lớn được giao chỉ tiêu số bệnh giường hồi sức tích cực như: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (1.000 giường); các bệnh viện: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Trung ương Huế, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, mỗi bệnh viện 500 giường; các bệnh viện: Chợ Rẫy, Phổi Trung ương, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh 300 giường. Riêng các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TP Hồ Chí Minh là 3.000 giường.

Với Trung tâm hồi sức tích cực vùng, các bệnh viện được Bộ Y tế phân công thành lập trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 trên cơ sở lựa chọn khoa, phòng, trung tâm hoặc khu vực phù hợp trong bệnh viện, riêng biệt với các khoa/phòng khác. 

Giao chỉ tiêu số giường bệnh hồi sức tích cực cho các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực vùng: mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).

Bộ Y tế phân công: Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phối hợp. Bệnh viện đa khoa trung ương Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp. Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ phối hợp.

Đề án cũng yêu cầu các giường bệnh hồi sức tích cực cần bảo đảm các tiêu chí: Thuận tiện cho công tác vận chuyển, di chuyển giường bệnh từ tiếp nhận đến nhập viện hoặc di chuyển giữa các khoa phòng và di chuyển các trang thiết bị, nhu yếu phẩm và chất thải y tế; có đầy đủ các thiết bị gồm hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén trung tâm, hệ thống hút trung tâm, camera và màn hình theo dõi người bệnh. Đồng thời bảo đảm được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế thiết yếu và phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định; có các thiết bị, vật tư đặc thù phục vụ đối tượng người bệnh thuộc chuyên khoa Nhi.

Đồng thời, bảo đảm biệt lập với các khoa, phòng khác, hạn chế tối đa lây nhiễm. Trong trường hợp cấp bách, bệnh viện chủ động thiết lập trung tâm hoặc khoa hồi sức tích cực và tiếp tục bổ sung khắc phục các yêu cầu nếu chưa đạt ngay (ví dụ lắp đặt thang máy bổ sung).

Các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia và vùng cũng được giao tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... điều trị người bệnh COVID-19 với các nội dung: Cập nhật kiến thức hồi sức cơ bản, nâng cao; sử dụng máy thở; sử dụng máy ECMO, lọc máu liên tục; chăm sóc, dinh dưỡng, tâm lý cho người bệnh COVID-19...

Theo đó, việc triển khai các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 sẽ được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1, các đơn vị lập kế hoạch triển khai ngay các hoạt động cấp bách, hoàn thành trong vòng 2 tháng sau khi Đề án được ký ban hành. Đối với các tỉnh đang bùng phát dịch cần hoàn thành ngay trong vòng 1 tháng, tận dụng tối đa các nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị... sẵn có.

Giai đoạn 2, các đơn vị tiếp tục triển khai các hoạt động chưa hoàn thiện, mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm trang thiết bị.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức