10:20 18/10/2018

Sẽ tạm hoãn kế hoạch chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới?

Kết quả không như mong đợi tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Theresa May và lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tối 17/10 nhằm tìm cách tháo gỡ bế tắc về vấn đề đường biên giới Ireland là điều có thể hiểu được khi cả hai bên cùng khăng khăng giữ nguyên tắc đàm phán của mình.

Lãnh đạo 27 nước EU quyết định tạm hoãn kế hoạch chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới, với lý do Thủ tướng Anh Theresa May đã không đưa ra được ý tưởng cụ thể mới nào nhằm tháo gỡ mấu chốt bế tắc hiện nay là vấn đề đường biên giới Ireland.

Tuy nhiên, trong một động thái được đánh giá là vẫn để hé cửa thương lượng, giới chức EU cho biết sẵn sàng triệu tập họp nếu như trưởng đoàn đàm phán EU Michael Barnier tuyên bố đàm phán Brexit giữa EU và Anh "đạt được tiến bộ to lớn".

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Theresa May tới dự hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ ngày 17/10. Ảnh: THX/TTXVN

Về phần mình, Thủ tướng Theresa May cho biết bà sẵn sàng xem xét đề xuất trước đó của EU, kéo dài thời gian cho thời kỳ chuyển đổi thêm 1 năm, coi như là một phần thỏa hiệp của Anh đối với bất đồng đường biên giới Ireland. Bà May cũng yêu cầu EU cần đưa ra những " ý tưởng sáng tạo" để tháo gỡ những bế tắc hiện nay.

Bất đồng giữa Anh và EU đối với vấn đề Brexit thực sự đã lên tới đỉnh điểm cho phép, vượt quá ngưỡng này sẽ là kịch bản mà cả hai bên đều không mong muốn: Brexit không đạt được thỏa thuận nào. Hai bên đều đã nhất trí quan điểm Brexit sẽ phải đảm bảo tránh xảy ra đường biên giới cứng giữa nước thành viên EU Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland thuộc Anh, song bất đồng nằm ở cách thức giải quyết vấn đề.

Với tiến trình đàm phán Brexit hiện nay, Anh đang ở thế bị động và EU là người đặt ra luật chơi. Mọi khó khăn đều đổ dồn lên vai Thủ tướng Theresa May. Hiện bà đang đối mặt với hai mũi nhọn tấn công, một bên là từ phía lãnh đạo 27 nước EU khi cho rằng nữ Thủ tướng Anh đã chẳng đưa ra được ý tưởng mới nào nhằm tháo gỡ bế tắc đường biên giới Ireland. Mặt khác, Thủ tướng May đồng thời chịu sức ép vô cùng to lớn từ chính trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà, cũng như từ đảng DUP mà chính phủ thiểu số của bà đang cần dựa vào để có thể thông qua các chính sách đề ra tại Quốc hội.

Điều đầu tiên Thủ tướng May cần đạt được lúc này là sự nhất trí đoàn kết trong đảng Bảo thủ, chỉ khi đó bà mới có cơ hội thuyết phục thành công các nước EU. Thực tế là sau khi bà May nói sẵn sàng xem xét đề xuất của EU kéo dài thời kỳ chuyển đổi thêm một năm nữa đến hết năm 2021, thì các thành viên đảng Bảo thủ chống lại kế hoạch Chequers mà Thủ tướng May đưa ra là những người đầu tiên lên tiếng công khai đòi bà từ chức.

Thậm chí viết trên Twitter, có nghị sĩ đảng Bảo thủ công khai ủng hộ để cựu Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis lên thay vì cho rằng ông này là người phù hợp nhất để ngồi vào bàn đàm phán với EU. Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ có tên tuổi như David Davis, Iain Duncan Smith, Boris Johnson, Owen Paterson, Priti Patel và Jacob Rees Mogg đã gửi thư ngỏ đến Thủ tướng, kêu gọi bà từ bỏ kế hoạch Chequers và "tái lập" các cuộc đàm phán với EU để Anh sẽ ký thỏa thuận tự do thương mại với EU theo mô hình Canada.

Ông Boris Johnson và ông David Davis cảnh báo rằng Thủ tướng May và chính phủ của bà sẽ không được người dân Anh tha thứ, nếu như họ "đầu hàng" trước những mặc cả của EU. Những người này muốn Anh rời EU một cách dứt khoát, không muốn thời kỳ chuyển đổi bị kéo dài.   

Những chính trị gia ủng hộ kế hoạch Chequers của Thủ tướng May thì lại lạc quan cho rằng thỏa thuận Brexit có thể sẽ đạt được vào cuối năm nay. Nước Anh sẽ "chia tay" EU ngày 29/3/2019 với hiệp ước rời khỏi EU và một tuyên bố chính trị về tương lai quan hệ hai bên. Một số vấn đề bất đồng chưa tháo gỡ được sẽ tiếp tục bàn thảo và đưa ra kết luận cuối cùng trong thời kỳ chuyển đổi.

Cách thức để quốc hội thông qua đề xuất của chính phủ sẽ là chính phủ trình ra vào phút chót và yêu cầu chỉ bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý với cả gói chính phủ đưa ra, gồm hiệp ước rút khỏi EU và tuyên bố chính phủ, như vậy thì các thành phần nổi loạn chống lại bà trong đảng Bảo thủ sẽ không thể bỏ phiếu không đồng ý, vì chính họ tha thiết mong muốn có hiệp ước rời khỏi EU.

Xét tình hình hiện nay thì tương lai nước Anh sau ngày 29/3/2019 chứa đựng nhiều điều bất ổn như chính cuộc đàm phán Brexit đang diễn ra. Hai bên cần tiếp tục đàm phán tích cực nhất có thể, nếu không kinh tế Anh khi ra khỏi EU sẽ rơi vào tình huống vô cùng khó khăn, thiệt hại kinh tế cho cả hai bên. Hiệp ước rời khỏi EU sẽ giải quyết các vấn đề trước mắt như tiền đóng góp cho EU, vấn đề công dân và Ireland. Câu hỏi đặt ra cho nước Anh hiện nay là làm sao cân bằng được vấn đề " chủ quyền quốc gia" và mệnh lệnh kinh tế để giữ được quyền tiếp cận những thị trường hiện nay mà nước Anh đang được hưởng.

Việc kéo dài thời kỳ chuyển đổi đồng nghĩa nước Anh sẽ phải chi trả thêm hàng tỷ bảng cho EU. Tuy nhiên, phía EU cho rằng điều này là cần thiết để hai bên có thêm thời gian bàn thảo cho thỏa thuận tự do thương mại thời hậu Brexit. Còn theo Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier, kéo dài thời gian chuyển đổi có thể giúp hai bên tìm ra một giải pháp đối với vấn đề đường biên giới Ireland, đồng thời sẽ giúp giảm bớt những tranh cãi liên quan kế hoạch dự phòng vốn đang bế tắc hiện nay.

Ông Barnier cho rằng Brexit cần được tiến hành một cách có trật tự, do vậy cần có thêm thời gian và khẳng định hai bên sẽ tiếp tục đàm phán trong những tuần tới một cách bình tĩnh và kiên nhẫn. Trong khi đó, Thủ tướng May nói với 27 lãnh đạo EU rằng "chúng ta đã có thể cùng nhau giải quyết những thỏa thuận trên tinh thần xây dựng", ngụ ý rằng cần tìm cách thoát ra khỏi tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" hiện nay.

Giai đoạn cuối cùng của chặng đường đàm phán sẽ cần lòng can đảm, sự tin tưởng và vai trò phối hợp từ cả hai phía. Vì 27 nước EU hiện thời tạm hoãn kế hoạch chuẩn bị thượng đỉnh đặc biệt Brexit vào tháng 11 tới và giao cho trưởng đoàn đàm phán EU Barnier tiếp tục làm việc với phía Anh, nên vẫn còn quá sớm để kết luận Brexit sẽ tiến triển theo hướng nào. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng tương lai quan hệ giữa Anh và EU sẽ còn là câu chuyện dài trong nhiều năm sau khi Anh rời khỏi "mái nhà chung".

Diễm Quỳnh (Pv TTXVN tại Vương quốc Anh )