07:15 01/07/2014

Sẽ không còn dự án 'treo'

Cụ thể hóa các quyền nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất; mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp; thiết lập sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong và nước ngoài;...

Luật Đất đai sửa đổi là một trong 5 bộ luật chính thức có hiệu lực từ 1/7/2014. Một số điểm mới quan trọng của Luật Đất đai sửa đổi đó là: Cụ thể hóa các quyền nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất; mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp; thiết lập sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong và nước ngoài; quy định cụ thể điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư...


Luật Đất đai sửa đổi đã xử lý trúng những vấn đề phát sinh về quản lý, sử dụng đất trong thời kỳ đổi mới đất nước, nhất là những tồn tại về cơ chế thu hồi và bồi thường khi thu hồi đất, nhằm đảm bảo khi giao đất, cho thuê đất đến được các nhà đầu tư có năng lực, không để lãng phí tài nguyên đất đai. Một trong những yêu cầu đặt ra với Luật Đất đai sửa đổi, là giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của công dân, mà cốt lõi là giải quyết những mâu thuẫn phát sinh từ cơ chế thu hồi đất và bồi thường tái định cư. Cụ thể, luật đã bổ sung một số trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, làm rõ thẩm quyền cho phép để tránh tùy tiện trong thu hồi đất. Luật cũng quy định các trình tự, thủ tục cưỡng chế để áp dụng thống nhất trong cả nước; quy định cụ thể việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra; bổ sung quy định về bồi thường đối với đất phi nông nghiệp của cộng đồng dân cư, các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... Luật Đất đai (sửa đổi) đã tháo gỡ những nút thắt trong việc bồi thường khi thu hồi đất, vấn đề mà bấy lâu đã từng gây bức xúc trong dư luận xã hội, cũng là nguyên nhân gây ra những vụ khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định xã hội.


Điểm toát lên của Luật Đất đai (sửa đổi), trước tiên là bồi thường một cách công bằng cho những người bị thu hồi đất và những người chịu ảnh hưởng bất lợi từ việc thu hồi đất. Đây là điểm rất mới của Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Luật Đất đai 2003, việc thu hồi đất phần lớn thực hiện theo phương thức bắt buộc; trong khi đó, việc giao lại đất thường gây ra sự không công bằng trong chia sẻ lợi ích giữa những người sử dụng đất trước và sau khi thu hồi. Do vậy, hình thức thu hồi đất theo phương thức bắt buộc (Luật Đất đai 2003) đã được sửa đổi theo hướng thay đổi phạm vi được phép thu hồi đất, chỉ áp dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh và phục vụ cho các dự án vì lợi ích công cộng như đường giao thông, công viên và trường học..., bảo đảm được quyền lợi của người dân cũng như sự phát triển chung của đất nước. Cơ chế thu hồi đất tại Luật Đất đai sửa đổi được quy định cụ thể hơn; đồng thời khẳng định, không phải bất kỳ dự án kinh tế - xã hội nào cũng thu hồi đất. Quy định này đã xóa bỏ được tình trạng lạm dụng, tùy tiện trong thu hồi đất thời gian vừa qua, gây thiệt thòi lớn cho người dân có đất bị thu hồi. Luật cũng quy định rõ chế tài xử lý tình trạng quy hoạch treo và tháo gỡ những bất hợp lý trong việc định giá đất đền bù. Việc điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất theo biến động thị trường cũng được bổ sung vào luật. Theo đó, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung thì Chính phủ điều chỉnh khung cho phù hợp.


Thực tế cho thấy, hiện tượng quy hoạch treo xảy ra khá phổ biến, có những dự án treo “xuyên thế kỷ”. Rất nhiều dự án thu hồi đất của dân nhưng không triển khai được. Trong khi đó, nông dân thiếu đất canh tác, diện tích đất thu hồi bỏ hoang nhiều năm trời, khiến người dân mất đất bức xúc. Bên cạnh đó, giá đất cũng là thủ phạm gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài. Có nơi tiến hành thu hồi đất của dân nhưng trả mức giá đền bù rất thấp, tới mức người dân cảm thấy không thể chấp nhận được. Luật Đất đai (sửa đổi) đã nói rõ thu hồi đất thì phải bồi thường và việc bồi thường, tái định cư phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định của pháp luật.


Yến Nhi