10:23 18/10/2011

Sẽ đề xuất 5 ưu tiên về đầu tư công năm 2012

Theo TS Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, trong nội dung báo cáo giám sát của Ủy ban trình Quốc hội, trong kỳ họp tới, vấn đề được cơ quan này đặc biệt lưu tâm là kiến nghị 5 ưu tiên với Chính phủ trong triển khai đầu tư công năm 2012.

  Theo TS Bùi Đặng Dũng (ảnh), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) Quốc hội, trong nội dung báo cáo giám sát của Ủy ban trình Quốc hội, trong kỳ họp tới, vấn đề được cơ quan này đặc biệt lưu tâm là kiến nghị 5 ưu tiên với Chính phủ trong triển khai đầu tư công năm 2012. Phóng viên Tin Tức đã trao đổi với TS Dũng xung quanh nội dung này.

´Qua giám sát việc thực hiện đầu tư công năm 2011, Ủy ban Tài chính ngân sách thấy những vấn đề gì đáng quan tâm, thưa ông?

Qua thẩm tra của UBTCNS về đầu tư công năm 2011, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về tiết kiệm đầu tư nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Thực tế kiểm tra cho thấy, năm 2011, vốn chi cho đầu tư phát triển (đầu tư công) là hơn 123.029 tỉ đồng cho 20.529 dự án. Trong số này, vẫn có 5.474 dự án khởi công mới với giá trị 22.176 tỉ đồng, bình quân mỗi dự án chỉ có 4 tỉ đồng. Như vậy, nguồn vốn bị sử dụng rất dàn trải, trong khi nhiều dự án chuyển tiếp lại không được ưu tiên vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả.

´Ông có thể nói cụ thể hơn về việc vốn bị sử dụng dàn trải, trong khi nhiều công trình thiết yếu lại không có vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng?

Hoàn thiện nốt các hạng mục để chuẩn bị thông xe đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Qua giám sát chúng tôi thấy vẫn có nhiều dự án được khởi công mới chưa thực sự cấp thiết, trong khi các dự án quan trọng cấp quốc gia lại chưa được ưu tiên bố trí vốn làm kéo dài thời gian thi công, giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Tôi có thể lấy ví dụ, đi giám sát việc này ở các tỉnh miền núi thấy việc cắt giảm đầu tư công mang tính chất cào bằng. Tại nhiều địa phương có tình trạng nhiều dự án sắp hoàn thành rồi (đã xây hoàn chỉnh cơ sở vật chất), chỉ cần mua trang thiết bị là đi vào hoạt động thì lại không được tiếp tục cấp vốn. Do đó có bệnh viện, phòng thí nghiệm... do thiếu vốn mua sắm máy tính, các trang thiết bị nên không thể đưa vào khai thác được. Tuy nhiên, các địa phương lại giải thích do thực hiện Nghị quyết 11 phải cắt giảm. Từ thực tế này, chúng tôi cho rằng việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 chưa được tốt, còn cứng nhắc nên làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

´Từ thực tế đầu tư công năm 2011, điều gì sẽ được UBTCNS kiến nghị trong đầu tư công năm 2012, thưa ông?

Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011 – 2015, Chính phủ dự kiến phát hành khoảng 405.000 tỉ đồng trái phiếu. Như vậy, mỗi năm nguồn vốn đầu tư công khoảng 100.000 tỉ đồng. Chúng tôi cơ bản thống nhất về nguyên tắc vốn chi cho đầu tư phát triển, nhưng đề nghị Chính phủ sắp xếp để ưu tiên chi cho các hạng mục:

Thứ nhất, dành vốn chi cho phát triển nông nghiệp nông thôn, thủy lợi, giao thông, chống ngập mặn, biến đổi khí hậu, điện lưới quốc gia. Ưu tiên cho 3 khu vực là Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam bộ. UBTCNS đề nghị ưu tiên số 1 như vậy vì vừa rồi, qua việc khảo sát ở các vùng sâu, vùng xa về nông nghiệp nông thôn, chúng tôi thấy vấn đề chống ngập mặn ở miền Tây Nam bộ đã rất bức xúc.

Thứ hai, dành vốn cho các công trình trọng điểm giao thông vận tải thiết yếu, liên quan đến việc phát triển các vùng kinh tế mới, hướng tới việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ các vùng công nghiệp tập trung và hạ tầng vùng kinh tế lớn. Ví dụ đường Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Biên Hòa - Vũng Tàu hay các cầu thiết yếu trên quốc lộ 1A, các cảng nước sâu như Cái Mép, Thị Vải, Đình Vũ... ; các khu vực luồng sông Hậu, Chợ Gạo. Đối với những công trình giao thông vận tải mang tính thiết yếu này, chúng ta phải quan tâm, tạo điều kiện đưa vào khai thác sớm. Nếu có cắt giảm thì cắt giảm các công trình khởi công mới, chưa thiết yếu còn các công trình như vừa nêu thì phải hoàn thành để đưa vào khai thác để vốn đầu tư phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các vùng và quốc gia.

Thứ ba, dành vốn cho việc đầu tư hạ tầng các đảo, các kè đập biên giới để bảo vệ biên giới, chống xói lở.

Thứ tư, dành vốn cho các công trình y tế, giáo dục nhằm tăng cường chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ năm, cần tập trung vốn hoàn thành các công trình, dự án dở dang, có khối lượng, quy mô lớn. Bố trí đồng bộ để khai thác sử dụng vốn có hiệu quả. Không bố trí vốn cho các dự án mới, không thực sự cấp bách và chưa đủ thủ tục đầu tư.

Tất cả các vấn đề nêu trên chúng tôi đang chuẩn bị nội dung. UBTCNS sẽ thẩm định và trình ra kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, trong phiên họp liên quan đến vấn đề cắt giảm đầu tư công.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Hương (ghi)