05:11 02/05/2019

Sẽ có nhiều điểm mới về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở

Theo Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, điểm mới nhất trong dự thảo luật này là lần đầu tiên bổ sung các quy định về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Chú thích ảnh
Lao động tại một Khu công nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: XM

Đây là nội dung mới, có nhiều sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế, thực hiện các cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, đồng thời đáp ứng các nhu cầu phát triển của thực tiễn quan hệ lao động Việt Nam theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế.

Về nội dung này, dự thảo Bộ luật Lao động đã thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 06-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, bảo đảm phù hợp với Hiến Pháp 2013.

Cụ thể trong dự thảo, quy định người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.

Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gửi hồ sơ đăng ký theo quy của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bị thu hồi đăng ký khi vi phạm về tôn chỉ, mục đích hoặc đơn vị sử dụng lao động chấm dứt hoạt động hoặc tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở chấm dứt sự tồn tại trong các trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức đại diện người lao động.

Đối với thành viên ban lãnh đạo được bầu của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là người lao động Việt Nam đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động.

Dự thảo quy định tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể với người sử dụng lao động, đối thoại, tham vấn tại nơi làm việc theo quy định; Tham gia ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, được tham khảo ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là đoàn viên của mình.

Đại diện cho người lao động được tổ chức và lãnh đạo đình công; Đồng thời, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu về pháp luật lao động, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện của người lao động, tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được thành lập...

Trong dự thảo cũng quy định người sử dụng lao động cấm phân biệt đối xử đối với người lao động và cán bộ tổ chức đại diện của người lao động vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện của người lao động; Can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của tổ chức đại diện của người lao động, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp kinh tế khác nhằm làm vô hiệu hóa hoặc suy yếu việc thực hiện chức năng đại diện của tổ chức đại diện của người lao động.

XC/Báo Tin tức