06:07 20/06/2016

Sẽ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cho từng loại gạo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã giao cho Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối chủ trì xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Lê Văn Bảnh về vấn đề này.

Xin ông cho biết, việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đã được thực hiện tới đâu?

Khi giai đoạn hội nhập đang mở rộng thì việc quan trọng nhất đối với ngành lúa gạo là xây dựng thương hiệu gạo có tiêu chuẩn, chất lượng để cạnh tranh. Trước mắt, Cục sẽ tập trung xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho gạo. 

Hiện nay, gạo ở Việt Nam có rất nhiều nhóm. Do vậy, muốn xây dựng thương hiệu gạo phải phân nhóm, trước mắt sẽ tập trung vào hai nhóm chính là: gạo thơm và gạo trắng hạt dài làm thí điểm. Dự kiến, năm 2017 sẽ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cho từng loại gạo này. Vấn đề thứ hai là tổ chức lại sản xuất để quản lý về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất. Các doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu phải có vùng trồng đảm bảo tiêu chuẩn.  

Để bảo đảm chất lượng gạo, nông dân phải sử dụng giống lúa xác nhận, có độ thuần của giống, bảo đảm chất lượng giống. Nông dân không được dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”  là đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách; bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Ngoài ra, Cục này sẽ phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam thiết kế, lựa chọn lôgô cho các thương hiệu gạo. Mỗi chủng loại gạo sẽ được cung cấp một lô gô in trên bao bì nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết.

 Sau khi Bộ NN&PTNT xây dựng xong các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thương hiệu gạo quốc gia,  doanh nghiệp nào làm đúng theo quy chuẩn này sẽ được cấp giấy chứng nhận, gắn nhãn mác, lôgô thương hiệu gạo quốc gia. 

Đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng thành công thương hiệu gạo chưa, thưa ông?

Theo Quyết định số 706/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu gạo theo vùng và thương hiệu gạo của doanh nghiệp. Hiện nay, ở ĐBSCL có từ 10- 12 thương hiệu gạo do các doanh nghiệp xây dựng riêng như: Hạt Ngọc Trời, Ngọc Đồng… cần nhân rộng những mô hình này.

Muốn xây dựng thương hiệu thì bắt buộc các doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu tập trung, dù khó nhưng có một số doanh nghiệp đã xây dựng được các thương hiệu gạo riêng.Việc xây dựng thương hiệu không chỉ giúp người dân nhận diện rõ các loại gạo, hơn nữa gạo có thương hiệu còn giúp tăng cường xuất khẩu vào các thị trường quốc tế. Ví dụ, xây dựng các thương hiệu gạo riêng cho từng vùng, khu vực Đông Bắc Á thích gạo hạt tròn dẻo, Trung Đông hạt dài khô, không dính, một số nơi như Trung Quốc thích gạo thơm, có mùi.     

Xin cảm ơn ông!

Nhóm PV