09:21 16/09/2014

Scotland trước cuộc trưng cầu ý dân lịch sử

Ngày 18/9 chắc chắn sẽ ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của vùng cao nguyên Scotland nổi tiếng với rượu whisky, kèn túi và chiếc váy kẻ carô dành riêng cho các quý ông.

Ngày 18/9 sắp tới chắc chắn sẽ ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của vùng cao nguyên Scotland nổi tiếng với rượu whisky, kèn túi và chiếc váy kẻ carô dành riêng cho các quý ông. Đó còn là thời điểm rất đáng nhớ đối với mỗi người dân Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai len trong bối cảnh Scotland tổ chức trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Liên hiệp để trở thành một quốc gia độc lập.

 

Nhiều người Scotland xuống đường ủng hộ việc ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh.

 

Ý tưởng tổ chức trưng cầu ý dân về nền độc lập ngày càng trở nên rõ ràng hơn sau khi đảng Dân tộc Scotland (SNP) giành thắng lợi với đa số quá bán tại cuộc bầu cử nghị viện xứ này vào tháng 5/2011. Giờ đây, "mối lương duyên" kéo dài 307 năm giữa Scotland với Liên hiệp Vương quốc Anh đang đứng trước nguy cơ "tan đàn, xẻ nghé", để rồi "phận ai nấy lo" giữa bộn bề những toan tính, cả chiến thuật trước mắt lẫn chiến lược lâu dài...

 

Ngã rẽ đôi đường

 

Nhiều người lý giải rằng sở dĩ SNP bất ngờ giành chiến thắng là vì đảng này ráo riết theo đuổi mục tiêu tuyên bố độc lập, đưa Scotland tách ra khỏi Vương quốc Anh. Nhìn lại lịch sử, việc Scotland quyết định tham gia liên minh chính trị để hình thành Liên hiệp Vương quốc Anh tháng 5/1707 đã vấp phải sự phản đối của đại đa số dân chúng, và châm ngòi cho làn sóng bạo động ở khắp các đô thị lớn như Edinburgh, Glasgow... Điều này lý giải tại sao hơn 3 thế kỷ qua, mối quan hệ giữa Scotland với Vương quốc Anh vẫn nhiều lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", và câu chuyện về nền độc lập dường như chưa bao nguội lạnh trên cao nguyên lộng gió.

 

Theo nhận định của giới phân tích, quan hệ giữa Scotland và Vương quốc Anh bắt đầu lâm vào tình trạng chia rẽ sâu sắc kể từ thời Thủ tướng Margaret Thatcher vốn được mệnh danh là "Bà đầm thép". Như vậy, vấn đề độc lập hay không độc lập của Scotland liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, chứ không đơn thuần chỉ là sự bất bình đối với chính sách của Thủ tướng đương nhiệm David Cameron - lãnh đạo đảng Bảo thủ.

 

Càng gần đến ngày tổ chức trưng cầu dân ý, kết quả các cuộc thăm dò dư luận lại càng sít sao hơn. Gần đây nhất, ngày 13/9, tờ "Observer" (Người quan sát) cho biết số người muốn Scotland tiếp tục ở lại chỉ nhỉnh hơn phe ủng hộ độc lập khoảng 6% (53% so với 47%). Không chỉ là mối quan hệ với Vương quốc Anh, vấn đề độc lập cũng gây ra tình trạng chia rẽ ngay trong xã hội cũng như chính trường Scotland. Để lôi kéo cử tri, phe ủng hộ độc lập và phe chống liên tiếp tung ra những "ngón đòn" phản bác lẫn nhau trên nền một bức tranh toàn cảnh đan xen nhiều gam màu sáng, tối.

 

Người dân Scotland sẽ phải trải qua một quyết định khó khăn, tác động trực tiếp đến đời sống thường nhật và cả tương lai của họ. Đó chắc hẳn sẽ là "ngã rẽ" trong lòng người với những bất ổn hiện hữu. Sau ngày 18/9, dù "có" hay "không", thì xã hội Scotland cũng cần một khoảng thời gian rất dài mới có thể hàn gắn được những bất đồng và chia rẽ hiện nay. Liệu phe ủng hộ độc lập có chấp nhận thất bại và "án binh bất động" trong trường hợp kết quả trưng cầu nghiêng về phe phản đối? Quá nhiều câu hỏi còn để ngỏ. Và vì thế, người dân Scotland phải tạm quên cảm giác lâng lâng trong men nồng của rượu whisky để tỉnh táo nhìn nhận những thách thức mà họ sẽ trải qua ở phía trước mỗi con đường.

 

Hệ lụy nhãn tiền về kinh tế

 

Dù Thủ hiến Scotland Alex Salmond - thủ lĩnh SNP, có đưa ra nhiều lý lẽ để chứng minh rằng nền độc lập sẽ mang lại triển vọng tốt đẹp, nhưng người dân cao nguyên rõ ràng không thể làm ngơ trước những hệ lụy nhãn tiền khi họ quyết định ở lại hay ra đi. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh sẽ gây ra tác động tiêu cực xen lẫn bất ổn trong quá trình chuyển đổi hệ thống tiền tệ, tài chính và cả nền kinh tế. Các thị trường ở châu Âu và toàn cầu sẽ là "hàn thử biểu" quan trọng để đo những "dư chấn" sau câu chuyện độc lập của người Scotland. Trong khi đó, một số "đại gia" ngân hàng như Lloyds, RBS (Ngân hàng Hoàng gia Scotland) rục rịch chuyển đại bản doanh đến London, phòng khi Scotland tuyên bố độc lập.

 

Nếu tách khỏi Anh, Scotland sẽ sử dụng loại tiền tệ nào? Một câu hỏi hóc búa thách thức tài hùng biện của ông Salmond - người khăng khăng rằng Scotland vẫn có thể sử dụng đồng bảng Anh. Quan điểm này ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các đối thủ chính trị, và bị Chính phủ Anh thẳng thừng bác bỏ. Theo lý lẽ của London, Scotland không thể sử dụng đồng bảng mà không cùng chia sẻ gánh nợ quốc gia với họ. Trong khi đó, Scotland cũng không thể sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro khi họ chưa có tiền tệ riêng.

 

Một cấu trúc khác biệt về kinh tế đòi hỏi Scotland phải có một loại tiền tệ riêng, độc lập hoàn toàn. Nhưng nền kinh tế Scotland sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng khi đồng tiền riêng quá yếu, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, dẫn đến thất thu trong nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt là dầu khí. Đồng tiền riêng yếu hơn đồng bảng Anh sẽ khiến khối tài sản của giới doanh nghiệp Scotland nhanh chóng giảm giá trị. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng không còn là dự báo viển vông khi các tập đoàn lớn quyết định rút vốn hoặc chuyển hướng hoạt động. Thị trường việc làm ảm đạm cộng với gánh nặng nợ công và phúc lợi xã hội mà nguồn thu dầu khí không bù đắp nổi có thể khiến Scotland "lao đao".

 

"Hãy ở lại với chúng tôi!"

 

Đó là câu khẩu hiệu duy nhất của các nhà lãnh đạo ba chính đảng chủ chốt tại Anh gồm Bảo thủ, Công đảng và Dân chủ Tự do khi họ đồng thanh kêu gọi người dân Scotland nói "không" tại cuộc trưng cầu dân ý. Không phải ngẫu nhiên mà tuần qua, ông Cameron và thủ lĩnh Công đảng đối lập Ed Miliband lại bỏ cuộc "so găng" vào mỗi thứ Tư tại Hạ viện để bay lên cao nguyên với nỗ lực vận động vào phút chót. Dù còn tồn tại nhiều mâu thuẫn và bất đồng, nhưng đứng trước nguy cơ Scotland tuyên bố độc lập, cả hai ông cũng như Phó Thủ tướng Nick Clegg - thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do, đang "chung lưng, đấu cật" vì một mục tiêu duy nhất: duy trì sự toàn vẹn của liên hiệp.

 

Không chỉ vận động "suông", ngày 5/8, các nhà lãnh đạo kể trên đã ký tuyên bố chung, cam kết dành cho Scotland nhiều quyền lợi hơn về pháp luật và thuế nếu tiếp tục ở lại. Cựu Thủ tướng Gordon Brown còn lĩnh trọng trách do 3 đảng giao phó đến Scotland nhằm tăng cường nỗ lực vận động cử tri. "Món quà" mà ông Brown mang đến Scotland cũng rất nặng ký, đó là trao quyền lợi tối đa cho nghị viện xứ này, được cụ thể hóa bằng một đạo luật do Quốc hội Anh ban hành.

 

Bên cạnh đó, phe phản đối cũng tìm mọi cách ngăn chặn khả năng tuyên bố độc lập. Ngày 13/9, khoảng 15.000 người đã tuần hành ở thủ phủ Edinburgh nhằm phản đối việc Scotland tách khỏi Anh. Những người tham gia tuần hành bày tỏ niềm tự hào được là một phần của Vương quốc Anh và kêu gọi bỏ phiếu "không" tại cuộc trưng cầu dân ý. Trong khi đó, những người ủng hộ ráo riết huy động lực lượng để xuống đường biểu dương sức mạnh. Kim đồng hồ đang nhích dần đến giờ G và bầu không khí ở cao nguyên cũng "nóng" lên từng ngày, dù tiết trời đã sang thu.

 

Lê Phương (phóng viên TTXVN tại Anh)