12:18 08/12/2011

SCIC tiếp nhận hơn 7.000 tỷ đồng vốn nhà nước

Bộ Tài chính cho biết, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 935 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là 7.457 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 935 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là 7.457 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo đề nghị của một số địa phương và được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, SCIC đã chuyển giao lại quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 20 doanh nghiệp đã tiếp nhận làm nhiệm vụ công ích gắn với thực hiện chính sách xã hội và ngân sách địa phương với số vốn nhà nước là 107,2 tỷ đồng.

Sau khi tiếp nhận, SCIC đã từng bước rút bớt vốn Nhà nước đang đầu tư ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ hoặc không nắm giữ cổ phần chi phối, tập trung nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mà Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối, cổ phần đặc biệt hoặc vào những lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không đủ điều kiện đầu tư, không đầu tư. Theo đó, SCIC đã bán vốn nhà nước tại 518 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 1.336 tỷ đồng, thu về 2.854 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình 2,13 lần so với mệnh giá.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Bộ Tài chính, những doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận về đã có mức tăng trưởng về vốn bình quân 26% so với khi nhận bàn giao. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt 18,5%, tăng 11% so với trước khi bàn giao. Đặc biệt, SCIC thực hiện đầu tư vào nhiều dự án trọng điểm của đất nước như Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thác Bà, Hải Phòng, Lai Châu, Cảng hàng không Long Thành... với tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng.

Đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho thấy kết quả hoạt động của SCIC trong thời gian qua đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi từ quản lý hành chính sang phương thức kinh doanh vốn, phù hợp với nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Bên cạnh đó, xóa bỏ tình trạng can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước thông qua đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đặc biệt, thông qua SCIC, các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong hoạt động đầu tư, quản lý vốn nhà nước được thực hiện thống nhất, kịp thời.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chuyển về SCIC làm đại diện chủ sở hữu có đến 85% là doanh nghiệp quy mô nhỏ, có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, khá nhiều doanh nghiệp còn tồn tại về tài chính và hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực nên quản lý của SCIC khó đạt hiệu quả cao, dẫn đến khả năng đầu tư, tăng trưởng về vốn của SCIC còn thấp. Cơ chế đầu tư của Nhà nước thông qua SCIC còn chưa hoàn thành.

Để tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của SCIC trong thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của tổng công ty này nhằm tạo cho SCIC một khuôn khổ pháp lý phù hợp với đặc thù mô hình, tổ chức và hoạt động.


Mai Phương