11:07 30/11/2016

Say mê bảo tồn các nhạc cụ truyền thống ở Tây Nguyên

Kaly Tran sinh năm 1988, người dân tộc Ba Na, hiện đang sống tại làng Kon Klor, thành phố Kon Tum (Kon Tum) là người rất tâm huyết với văn hóa Tây Nguyên.

Kaly Tran đã tốt nghiệp cử nhân Sư phạm âm nhạc trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội tại Thành phố Hồ Chí Minh; có giọng hát trời phú nhưng chàng trai này không theo nghiệp ca sỹ mà lại tâm huyết thực hiện mơ ước đã ấp ủ từ lâu là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na. Nhận thấy văn hóa của cộng đồng mình đang bị “chảy máu”, mai một, Kaly Tran rất trăn trở, làm thế nào để giữ lại cái hồn người Tây Nguyên qua lời ca tiếng hát, nét văn hóa của từng dân tộc. 

Năm 2015, Kaly trở về Kon Tum, được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh giao nhiệm vụ đạo diễn một số chương trình trong Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên tổ chức tại Kon Tum vào tháng 3/2016, trong đó có đêm khai mạc và lễ hội đường phố… Mới đây, Kaly được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ đại diện cho tỉnh Kon Tum, dàn dựng chương trình và dẫn đoàn gồm 20 nghệ nhân chiêng xoang tham gia Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2016 được tổ chức tại làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). 

Kaly Tran biễu diễn một bản nhạc Tây Nguyên với bộ đàn đá do chính tay anh chế tác. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Kaly Tran chia sẻ: Là người con của núi rừng Tây Nguyên, thấy văn hóa dân tộc mình đang bị “chảy máu”Kaly Tran mong muốn đóng góp sức để bảo tồn những nét văn hóa dân tộc đặc sắc, nhất là các nhạc cụ dân tộc. 

Theo Kaly Tran, trước đây cồng chiêng Tây Nguyên rất nhiều, nhưng nay đã dần bị mai một. Cồng chiêng Tây Nguyên được phân ra thành nhiều loại, đối với dân tộc Ba Na ở Kon Tum, chiêng Brong là bộ gồm có 8 chiêng, 3 cồng, có nơi gồm 4 cái cồng được đánh với tiết tấu nhanh, vui nhộn trong các lễ hội như: lễ mừng lúa mới, lễ khánh thành nhà rông, lễ cầu an… Đây là thể loại cồng chiêng phổ thông và nhiều người biết sử dụng nhất ở Kon Tum cũng như tại các tỉnh Tây Nguyên. 

Còn loại chiêng Brông là chiêng dày, có âm thanh trầm gồm 11 hoặc 12 cái chiêng, 3 - 6 cái cồng. Theo Kaly Tran thì ngày nay chiêng Brông bị “chảy máu” rất nhiều vì ít người biết đánh. Chiêng Brông thường được đánh vào ban đêm trong đám ma hoặc lễ bỏ mả vì loại chiêng này có tiếng trầm buồn... Cũng theo Kaly, hiện chỉ một số nghệ nhân già thuộc nhánh Rơ Ngao, dân tộc Ba Na sống vùng ven sông Đăk Bla và sông Pô Kô của Kon Tum còn đánh được loại chiêng này. 

Kaly cho biết: Không phải cồng chiêng ở đâu cũng được đánh giống nhau mà tùy thuộc vào ảnh hưởng của văn hóa vùng miền; chăng hạn tiết tấu chiêng của người Ba Na sống tại Gia Lai đánh nhanh hơn người Bana sống tại Kon Tum. Cũng như các loại nhạc cụ khác, cồng chiêng của người Tây Nguyên có tiết tấu phù hợp với ngữ cảnh, toát lên được cái hồn của bản nhạv; ví dụ chiêng đánh ở đám ma sẽ buồn man mác; tiêng chuông ở lễ hội lại có tiết tấu vui nhộn.

Không chọn con đường hoạt động trong một đơn vị thuộc biên chế Nhà nước để dành thời gian nhiều hơn cho việc lưu diễn và chế tác các loại đàn dân tộc, Kaly Tran cũng sắp xếp thời gian để dạy nhạc cụ dân tộc tại nhà cho 10 học viên. Kaly Tran còn thành lập nhóm nhạc lấy tên là "Nhóm nhạc dân gian KaLy Band '' với sự tham gia của khoảng 120 người, trong đó có đội cồng chiêng, đội múa xoang , múa rối, cà kheo...

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Tỉnh Kon Tum thường xuyên có các đề án, các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian của các đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum. Trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều nghệ nhân, nhưng đa số là những người lớn tuổi, mới đây nhất là Kaly Tran, một người con của đồng bào dân tộc Bana tại Kon Tum, là người còn rất trẻ. Kaly Tran đã say mê sưu tầm các làn điệu dân ca, chế tác các nhạc cụ truyền thống dân tộc, cải tiến sáng chế thêm một số loại nhạc cụ khác. Kaly Tran còn tham gia đào tạo, truyền dạy cho thế hệ trẻ tại làng cũng như một số trường học trong tỉnh. Vừa qua, Kaly Tran đã góp phần làm nên thành công của Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên tổ chức tại Kon Tum. 

Kaly Tran cũng vừa sáng chế ra bộ đàn đá theo thang âm quốc tế thay vì ngày xưa chỉ có thang 5 âm. Để làm được bộ đàn đá, Kaly cho biết không phải loại đá nào cũng có thể làm được đàn mà phải chọn đá già, cứng... Kaly Tran đi tìm gần 10 năm rồi mới được loại đá ưng ý để chế tác đàn. Khi cắt đá làm đàn phải làm thế nào để âm thanh nghe tròn tiếng, rõ từng âm. 

Ngoài đàn đá, cồng chiêng... ở Tây Nguyên còn có nhiều loại các loại nhạc cụ được làm từ tre, nứa, lồ ô. Kaly Tran đã đi tìm những loại cây đó đem về sấy khô, đục đẽo, cắt tỉa làm nên đàn T’rưng, Ting Ning, Klong Bút, Đing Bút, Đinh Bơng, Đing Bă, Đing Klơk, Bông Bôh, Brõ Ót… Kaly Tran cho biết: Ngoài việc bảo tồn những nhạc cụ truyền thống cha ông để lại, lớp trẻ như Kaly Tran sẽ sáng tạo thêm, bảo tồn và phát triển hơn nữa đối với nhiều loại nhạc cụ. Sắp tới nhóm nhạc của Kaly Tran sẽ cho ra mắt album ca nhạc về những làn điệu dân ca các dân tộc Tây Nguyên, góp phần quảng bá các nhạc cụ dân tộc đến với bạn bè trong nước và thế giới.

Hồng Điệp (TTXVN)