10:09 03/10/2019

Saudi Arabia 'dè chừng' hậu quả nếu tấn công trả đũa Iran

Ngày 14/9, bảy quả tên lửa hành trình và 8 máy bay không người lái đã oanh tạc dữ dội hai nhà máy lọc dầu ở miền Đông Saudi Arabia. Nhưng hai tuần sau vụ tấn công, một câu hỏi lớn vẫn để ngỏ: Mỹ và Saudi Arabia sẽ làm gì để đáp trả?

Chú thích ảnh
Máy bay không người lái tấn công cơ sở lọc dầu Saudi Arabia gây ra đám cháy ngút trời.

Có thể cả hai vẫn đang cố gắng tìm kiếm bằng chứng củng cố thêm cáo buộc Iran là thủ phạm trực tiếp của vụ tấn công, bất chấp những bác bỏ từ Tehran. Với bằng chứng về tội lỗi của Iran, họ có thể cô lập hơn nữa về mặt ngoại giao, hoặc mở đường cho một phản ứng đáp trả vũ lực.

Tuy nhiên, Saudi Arabia bị kẹt giữa hai lựa chọn khó khăn. Nếu không làm gì, Iran có thể sẽ tiếp tục gây hấn với đồng minh lớn của Mỹ trong nỗ lực buộc Washington phải "xuống thang" và nới lỏng trừng phạt. Riyadh khó có thể cố gắng giảm căng thẳng với Tehran vì mục tiêu chính của Tehran là các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Nhưng nếu Saudi Arabia tấn công trả đũa Iran để răn đe, họ có nguy cơ bị Iran trả thù và khiến cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của nước này gánh thiệt hại nghiêm trọng.

Lúc này, trước áp lực ngày càng tăng phải thể hiện một động thái, Saudi Arabia có thể sớm cảm thấy cần phải tiến tới và buộc Iran phải hứng chịu một số hậu quả.

Xem clip mới công bố về vụ tấn công cơ sở lọc dầu Saudi Arabia (Nguồn: CBS News)

Những cân nhắc

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump quan ngại sâu sắc về việc bị kéo vào một cuộc xung đột khác ở Trung Đông khi Washington đang tìm cách chuyển sự chú ý và nguồn lực của mình sang cuộc cạnh tranh quyền lực lớn với Nga và Trung Quốc. Theo đó, nếu một trong những đối thủ của Iran bắt đầu phản ứng quân sự trước các cuộc tấn công nhà máy lọc dầu ở Abqaiq và Khurais, thì chính người Saudi có thể sẽ dẫn đầu chiến dịch. Trên thực tế, theo CBS News, khi các cố vấn quân sự báo cáo Tổng thống Donald Trump về những lựa chọn khác nhau cho một phản ứng mạnh mẽ, ông chủ Nhà Trắng đã nhấn mạnh rằng Saudi Arabia sẽ phải đóng góp chủ lực cho bất kỳ cuộc tấn công trả đũa nào.

Theo trang mạng Stratfor, đương nhiên Saudi Arabia hầu như không hài lòng với kịch bản chính họ sẽ rơi vào một cuộc xung đột sâu hơn với Iran, đồng nghĩa sẽ phơi bày cơ sở hạ tầng năng lượng của mình trước các cuộc tấn công.

Riyadh có thể tính toán rằng, trả đũa dưới hình thức áp lực kinh tế lớn hơn thông qua phối hợp với các đồng minh là đủ. Ngoài ra, họ có thể tìm cách tiến hành một phản ứng đặc biệt, chẳng hạn như phá hoại hoặc tấn công mạng, như một biện pháp đối phó. Tuy nhiên, những hành động như vậy khó có thể thành công trong việc ngăn chặn Iran, thậm chí càng chọc giận Tehran. Do đó, có khả năng ngày càng cao Saudi Arabia sẽ tính toán rằng một phản ứng quân sự là cách khả thi duy nhất.

Các mục tiêu tiềm năng

Tất nhiên, Chính phủ Saudi Arabia không có ý định bắt đầu một cuộc xung đột toàn diện với Iran, do đó, họ sẽ phải đi theo một đường ranh giới nghiêm ngặt giữa việc đánh trả một cách đủ mạnh mẽ nhưng vẫn phải giảm thiểu rủi ro leo thang hết mức có thể.

Stratfor cho rằng, nếu các lực lượng vũ trang Saudi Arabia quyết định tiến hành một cuộc tấn công trả đũa, họ sẽ có ba lựa chọn cơ bản. Đầu tiên là thực hiện một phản ứng tỷ lệ thuận trực tiếp với cuộc tấn công cơ sở dầu mỏ. Trong kịch bản này, Riyadh sẽ nhắm vào một cơ sở năng lượng quan trọng của Iran, có thể là cơ sở lưu trữ và chế biến dầu trên đảo Kharg. Ưu điểm của cuộc tấn công kiểu này là nó có thể làm giảm nguy cơ gây thương vong cho con người trong khi vẫn làm tổn thương Tehran đủ để thể hiện một phản ứng hiệu quả từ Saudi Arabia.

Chú thích ảnh
Một triển lãm vũ khí, thiết bị quân sự ở Tehran, Iran ngày 2/2/2019. Ảnh: AFP 

Lựa chọn thứ hai cho Saudi Arabia là tấn công trực tiếp vào căn cứ mà Iran bị nghi ngờ đã phóng tên lửa và máy bay không người lái không kích cơ sở dầu Abqaiq và Khurais. Theo tình báo Mỹ, người Iran đã phát động cuộc tấn công vào Abqaiq từ căn cứ không quân Ahvaz của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), nằm sát biên giới với Iraq ở Tây Nam Iran. Phát động một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở này sẽ vừa gửi một thông điệp mạnh mẽ và vẫn là một phản ứng hoàn toàn tỷ lệ thuận với cuộc tấn công ban đầu của Iran. Tuy nhiên, rủi ro trong lựa chọn này là nó mang tính khiêu khích hơn một chút so với kịch bản tấn công vào cơ sở năng lượng Iran.

Ngoài ra còn có một lựa chọn ít khiêu khích hơn - nhưng có thể ít hiệu quả hơn - với Saudi Arabia: Đó là đánh vào một số lực lượng thân Iran ở Iraq, Syria hoặc các nơi khác. Mặc dù cuộc tấn công có thể làm gián đoạn hoạt động của các lực lượng này, nhưng sẽ khó ngăn Tehran khỏi các cuộc tấn công tiếp theo trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Saudi Arabia đang là lực lượng chủ lực của chiến dịch tấn công ít nhất một lực lượng thân Iran là phiến quân Houthi ở Yemen.

Phương tiện tấn công

Xét về khả năng của Saudi Arabia trong việc thực hiện các cuộc tấn công như vậy, phương tiện chính và hiệu quả nhất sẽ là không quân. Saudi Arabi đã đầu tư rất nhiều vào lực lượng không quân của mình trong những năm qua, sở hữu số lượng lớn máy bay chiến đấu hiện đại từ Mỹ và châu Âu. Để giảm thiểu rủi ro cho máy bay của mình, Saudi Arabia có thể sẽ tìm cách tiến hành tấn công vào Iran bằng các tên lửa hành trình không đối đất như Storm Shadows từ phi đội máy bay chiến đấu Tornado. Tên lửa Storm Shadow có phạm vi hoạt động trên 1.000 km, có nghĩa là lực lượng không quân Saudi Arabia có thể kích hoạt chúng từ cũng ngoài tầm với của hệ thống phòng không Iran.

Chú thích ảnh
Tên lửa Storm Shadow. Ảnh: military.net

Do luôn dễ bị tổn thương trước các cuộc phản công của Iran, Saudi Arabia sẽ chỉ làm như vậy nếu cảm thấy đủ tin tưởng vào sự trợ giúp của Mỹ. Vì thế, họ sẽ tìm kiếm quân tiếp viện của Mỹ, như phòng thủ không quân bổ sung, thông tin tình báo để theo dõi tốt hơn các mối đe dọa sắp tới, cũng như cung cấp thông tin chiến thuật cho một cuộc tấn công của Saudi Arabia.

Ngoài ra, Riyadh cũng sẽ yêu cầu một sự đảm bảo rằng Washington sẽ phải "vào cuộc" nếu cuộc tấn công trả đũa của nước này gây ra một cuộc xung đột nóng hơn ở Trung Đông. Trong tình huống như vậy, Mỹ sẽ phải quay lại "dập lửa" ở Trung Đông dù họ đang cố gắng chuyển giao lại nhiệm vụ đó cho người khác.

Thu Hằng/Báo Tin tức