07:19 14/07/2022

Saudi Arabia, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sớm gia nhập BRICS

Bà Purnima Anand, Chủ tịch Diễn đàn Quốc tế BRICS, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Saudi Arabia có thể sẽ sớm gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Chú thích ảnh
Logo Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Ảnh: Sputnik

Theo tờ Izvestia, bà Anand tiết lộ rằng Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã thảo luận về vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14, diễn ra trực tuyến ngày 23-24/6 vừa qua.

“Tất cả các quốc gia này đều bày tỏ mong muốn gia nhập khối và chuẩn bị đăng ký làm thành viên của BRICS. Tôi nghĩ đây là một động thái đáng hoan nghênh, vì quá trình mở rộng luôn được nhìn nhận một cách tích cực. Điều này rõ ràng sẽ giúp gia tăng ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế. Tôi hy vọng quá trình gia nhập BRICS của các quốc gia này sẽ diễn ra một cách khẩn trương vì hiện nay tất cả các đại diện nòng cốt của nhóm đều quan tâm đến việc mở rộng”, bà Anand tuyên bố.

Chủ tịch Diễn đàn Quốc tế BRICS cũng bày tỏ tin tưởng tiến trình gia nhập khối của Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Saudi Arabia sẽ nhanh chóng tiến triển, vì các nước này đã bắt đầu quá trình trở thành thành viên của khối. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng tiến trình này sẽ không diễn ra cùng lúc.

Tiết lộ của bà Anand được đưa ra sau tuyên bố của ông Li Kexin - người đứng đầu Vụ Kinh tế Quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 ở Bắc Kinh, liên quan đến việc mở rộng tiềm năng của BRICS, ông Li cho biết: “Có một số quốc gia đang đứng trước ngưỡng cửa của nhóm, chẳng hạn Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập và Argentina”.

Vị quan chức Trung Quốc cho biết thêm các nước BRICS đồng thuận rằng nhóm cần mở cửa đón các thành viên mới nhưng vẫn giữ được tôn chỉ ban đầu. “Tôi tin rằng các nước trong nhóm đều hiểu về sự cần thiết phải mở rộng và có các gương mặt mới”, ông Li nói và nhấn mạnh mục tiêu của việc mở rộng BRICS là không phải để tạo ra một khối mới.

Đại sứ Argentina tại Trung Quốc Sabino Vaca Narvaja trước đó cho biết cơ chế hợp tác BRICS có ý nghĩa to lớn đối với việc xây dựng một thế giới mới, đa cực và cân bằng hơn.

“Chúng tôi quan tâm đến việc gia nhập BRICS vì đây là cơ chế hợp tác bao gồm toàn bộ các nền kinh tế mới nổi. Không có sự ràng buộc nào và tất cả các bên hợp tác đều có lợi”, ông Vaca nói.

Vào cuối tháng 6, các quốc gia BRICS đã tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Các nước thành viên đã đồng ý thực hiện các biện pháp chung để tăng cường và cải cách việc quản trị toàn cầu, cũng như bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế. Trung Quốc hiện là chủ tịch luân phiên của BRICS. Nam Phi sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch vào năm tới.

Bắc Kinh đã mời lãnh đạo của 13 quốc gia đang phát triển khác tham dự hội nghị - gồm Iran và Algeria, Argentina, Ai Cập, Indonesia, Kazakhstan, Senegal, Uzbekistan, Campuchia, Ethiopia, Fiji, Malaysia và Thái Lan.

Trước hội nghị này, Iran cũng tuyên bố ý định tham gia BRICS. Tehran đã chỉ ra vị trí địa lý độc đáo và lợi thế của nước này trong các lĩnh vực năng lượng, vận chuyển và thương mại cùng khả năng trở thành tuyến đường vàng để kết nối đông - tây.

Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRNA) cho biết thêm: “Nếu Iran và các quốc gia hùng mạnh khác gia nhập khối, BRICS có thể mạnh hơn nữa và thách thức các chính sách của phương Tây”.

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo Sputnik)