02:08 02/02/2023

Sau Tết, du lịch văn hoá tâm linh hút khách

Đi lễ đền, chùa và tham gia hoạt động lễ hội mùa xuân là nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời của người Việt Nam. Cũng vì thế, hoạt động du lịch văn hoá tâm linh dịp này khá thu hút khách.

Các địa phương khai thác giá trị du lịch văn hoá

Đầu xuân, chị Lê Thị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức cho gia đình nội ngoại cùng đi du xuân theo chương trình Tây Yên Tử hướng Bắc Giang. “Bố mẹ đầu năm đều muốn đi lễ chùa tại những danh thắng nổi tiếng để du xuân. Hành trình hướng Tây Yên Tử có điểm dừng chân là chùa Vĩnh Nghiêm, nơi lưu giữ mộc bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là cơ hội hiểu thêm về đạo Phật theo hệ phái Trúc Lâm Yên Tử”, chị Lê Thị Trang cho biết.

Thượng toạ Thích Thanh Vinh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm chia sẻ: Sau khi mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu, trong 10 năm qua, chùa được nhiều người biết đến. Hiện chùa cũng đã được tỉnh Bắc Giang lập đề án quy hoạch chỉnh trang, mở rộng, trong đó có nhiều dịch vụ phục vụ du lịch.

Năm nay, Bắc Giang tổ chức chức Tuần Văn hóa - du lịch 2023 với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử” từ ngày 1 đến 6/2/2023. Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2023 sẽ có 15 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Điểm nhấn của lễ hội là: Chương trình nghệ thuật “Đêm nhạc Phật” với chủ đề “Vĩnh Nghiêm - Hào quang trí huệ” được tổ chức theo hình thức mới lạ, đặc sắc, kể chuyện bằng âm nhạc về sự nghiệp, thân thế cũng như quá trình giác ngộ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và sự hình thành, phát triển Thiền phái phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Tiếp đến là lễ rước mộc bản “Cư trần lạc đạo phú” từ chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) lên chùa Thượng Tây Yên Tử (huyện Sơn Động)…

Chú thích ảnh
Đầu xuân, chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) thu hút nhiều du khách.

Trong khi đó, vùng Đất Tổ Phú Thọ cũng tổ chức nhiều hoạt động lễ hội với du lịch văn hoá tâm linh. Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng, khai thác giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch. Đến nay, một số tuyến du lịch đã được đưa vào khai thác, có sức hút đối với du khách như: Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Miếu Lãi Lèn - Làng cổ Hùng Lô; Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Làng cổ Hùng Lô - Vườn quốc gia Xuân Sơn - Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Cụm di tích Đền Tam Giang - Chùa Đại Bi - Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa)…

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ) cho biết: “Trung tâm đã chủ động kết nối các tuyến, điểm di tích trong tỉnh. Gần đây nhất, trung tâm đã khảo sát để sớm đưa tour du lịch văn hóa tâm linh gắn với nghi lễ rước nước thiêng đền Tam Giang, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì đi vào hoạt động. Những sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đang góp phần lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo ra nét độc đáo và hấp dẫn cho du khách tìm hiểu, khám phá mảnh đất Phú Thọ…”.

Theo Tổng cục Du lịch, sau Tết, các địa phương đang khai thác thế mạnh về du lịch văn hoá tâm linh. Điển hình như lễ hội chùa Hương (Hà Nội); Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội xuân núi Bà Đen (Tây Ninh)…

Đa dạng hoá sản phẩm du lịch

Theo thống kê, Việt Nam có gần 8.000 lễ hội và nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây là nguồn tài nguyên và lợi thế để tạo thành các sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch. Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Chi hội du lịch Xanh Việt Nam cho biết: Theo truyền thống, tháng Giêng là tháng cao điểm của du lịch nội địa, trong đó tập trung là loại hình du lịch văn hoá tâm linh, đáp ứng nhu cầu du xuân, cầu bình an của người Việt. Đối với những đơn vị làm dịch vụ du lịch, ngoài đưa du khách đến tới các điểm đến, quan trọng hơn là sự trải nghiệm. Đơn cử như chương trình Tây Yên Tử tại Bắc Giang đưa du khách đến chùa Vĩnh Nghiêm, nơi lưu giữ Mộc bản là tư liệu di sản thế giới. Sau tham quan du khách được trải nghiệm in mộc bản cách tân. Cùng với đó là quá trình đi trekking để rèn luyện sức khoẻ trong quá trình leo núi lên chùa Đồng (Yên Tử) du xuân.

Chú thích ảnh
Đường lên chùa Đồng (Yên Tử) khá dễ đi và xuyên qua rừng trúc.

Đồng quan điểm này, ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc công ty du lịch Wondertour cho biết: Du xuân đầu năm đến đền chùa, di tích… là truyền thống tốt đẹp của người Việt, vừa cầu bình an, vừa là cơ hội để hiểu hơn về vùng đất lịch sử...

Trên thị trường hiện nay, có 2 hình thức du lịch văn hoá tâm linh phổ biến gồm: Hình thức đi tự túc của giới trẻ và đi theo nhóm của hội người cao tuổi, hội phụ nữ. Hình thức này chỉ thuê xe còn các dịch vụ khách đều tự túc. Còn hình thức thứ 2 thông qua các đơn vị tổ chức du lịch với mong muốn có sự trải nghiệm mới. Đơn cử như chương trình đi đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) kết hợp chăm sóc khoẻ, lễ vào đền sẽ được chuẩn bị cung tiến là hoa tre, thuyết minh về câu chuyện lịch sử đền Gióng. Với loại hình tour này, các đơn vị lữ hành sẽ nghiên cứu chuyên sâu theo từng nhóm khách hàng để kết hợp dịch vụ như: Doanh nghiệp kết hợp giao thương; học sinh kết hợp học kỹ năng; phụ nữ kết hợp mua sắm…

“Với loại sản phẩm theo chương trình du lịch văn hoá tâm linh sẽ kéo dài đến tận lễ Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch. Còn đi theo hình thức phổ thông thường thì kéo dài trong tháng Giêng. Cùng với tour văn hoá tâm linh trong nước là các tour văn hoá tâm linh khi đến các nước trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản…”, ông Lê Công Năng chia sẻ.

Chú thích ảnh
Du khách Johannes đến từ Đức trải nghiệm in chữ từ mộc bản cách tân.

TS.Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Du lịch văn hóa tâm linh là một phần trong du lịch văn hoá. Văn hóa và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển. Văn hóa là nền tảng để phát triển du lịch. Du lịch phát triển sẽ góp phần tạo nguồn thu cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Trước đây, ngành du lịch đã tổ chức hội thảo quốc gia về loại hình du lịch văn hoá tâm linh và đề ra chính sách khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, đây là loại hình du lịch cần có nghiên cứu để tạo những sản phẩm chuyên đề, tạo sự chi tiêu cao hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, du lịch văn hoá tâm linh ở Việt Nam hiện mang tính phong trào, việc tìm hiểu những giá trị cốt lõi vẫn chưa được chú trọng. Do đó, số lượng người đi đông nhưng doanh thu, chi tiêu của khách chưa nhiều.

Bài và ảnh, clip: Xuân Minh/Báo Tin tức