11:12 03/11/2011

Sau tê giác là... ?

Thông tin tuần qua về cái chết của con tê giác cuối cùng trong Vườn quốc gia Cát Tiên đã để lại một khoảng trống của rừng không có gì phủ lấp được; cũng như một vật báu không chỉ mất đi khỏi tay ta mà nó bị tiêu huỷ thành tro bụi.

Thông tin tuần qua về cái chết của con tê giác cuối cùng trong Vườn quốc gia Cát Tiên đã để lại một khoảng trống của rừng không có gì phủ lấp được; cũng như một vật báu không chỉ mất đi khỏi tay ta mà nó bị tiêu huỷ thành tro bụi. Rừng Cát Tiên đã vĩnh viễn mất đi một bảo vật bậc nhất. Bởi vì nói đến Cát Tiên là thế giới nói đến loài tê giác – tê giác Cát Tiên. Nhờ có tê giác mà Cát Tiên trở thành một địa danh thu hút sự chú ý của biết bao người, trở thành khu rừng hiếm hoi còn giữ được những mối liên hệ hàng triệu năm giữa rừng và tê giác; một không gian sống tự nhiên, hoang dã của loài thú đã ghi trong sách đỏ.

Thực ra sự tuyệt chủng của loài tê giác trong Vườn quốc gia Cát Tiên đã được dự báo từ lâu khi những nguy cơ đe doạ cuộc sinh tồn của loài thú này ngày một lớn dần. Rừng mất đi từng ngày bởi những đợt di dân tự do phá rừng làm rẫy. Rừng nghèo đi từng ngày bởi những bọn lâm tặc phá rừng lấy gỗ và các lâm sản quí hiếm. Hiểm hoạ treo trên số phận thú rừng từng giờ bởi trên các bàn nhậu sang trọng ở thành phố người ta đang đãi đằng nhau những “của ngon vật lạ” như rượu sừng tê giác, rượu cao hổ cốt, mật bò tót, mật gấu…Đặc biệt, không biết từ bao giờ người nọ truyền người kia rằng, sừng tê giác có tác dụng chữa “bá bệnh”, phòng chống rất hữu hiệu các bệnh nan y. Rằng, da tê giác có tác dụng hút độc cực hiệu nghiệm; ví như có ai đó bị rắn hổ mang chúa cắn thì cũng chỉ cần áp một miếng da tê giác vào vết thương 5 phút là sẽ hút hết nọc độc. Hay là phân tê giác cũng có tác dụng giải đọc, trừ tà. Tóm lại, tất cả mọi bộ phận trên mình tê giác từ sợi lông cho đến chất thải đều là “thần dược”, là bùa hộ mệnh cho rất nhiều tình huống khó khăn. Vì thế, một số người giàu có luôn có ý định “sở hữu” một sản phẩm nào đó từ tê giác. Đặc biệt đối với sừng tê giác, luôn được xem như thần dược, là đối tượng săn lùng của nhiều “đại gia”; và thực tế đã hình thành một thị trường ngầm buôn bán sừng tê giác trong hàng chục năm qua.

Những thông tin về công dụng của các loại “thần dược tê giác” đã được các cơ quan chức năng, nhiều nhà chuyên môn khẳng định là sai sự thật nhưng người ta vẫn săn lùng với giá “đắt hơn vàng”; và đẩy tê giác vào “chỗ chết”.

Với thị trường “một người bán, vạn người mua” như vậy, thì tê giác tuyệt chủng là không có gì bất ngờ.

Tuy nhiên, chúng ta không ai muốn những “sự đương nhiên” ấy tiếp tục xảy ra với hổ, gấu, bò tót, rắn, rùa và các loài thú quí hiếm khác. Song le, cao hổ, mật gấu rừng, mật rùa núi, mật rắn hổ, mật bò tót, thậm chí cả nước đái bò tót, vẫn đang là “hàng độc”. Nhiều người vẫn đang dùng các vật phẩm ấy để đãi đằng nhau, để bồi bổ sức khoẻ, phục hồi sinh lực; hoặc có thể chỉ đơn giản là để thể hiện “đẳng cấp” trong ăn nhậu. Tuy là thị trường ngầm, nhưng việc mua bán các mặt hàng này luôn sôi động và không hề khan hiếm, dù không ai phân biệt được thật giả.

Thực tế đó khiến ta đặt câu hỏi: Sau sự tuyệt chủng của tê giác thì sẽ đến loài nào nữa? Rằng, các cơ quan chức năng có biện pháp gì để cho các loài động vật quí hiếm, đặc biệt là các loài đã ghi vào sách đỏ, không phải đi theo tê giác?

Nguyễn Quang Vinh