08:10 05/08/2021

Sau lũ lụt, châu Âu lại chìm trong nắng nóng kỷ lục và cháy rừng dữ dội

Vừa trải qua đợt mưa lũ nghiêm trọng chưa khắc phục xong hậu quả, châu Âu lại đang trải qua một đợt nắng nóng dữ dội, cháy rừng diện rộng.

Theo tờ Politico, ngày 2/8 vừa rồi, châu Âu bị nung nóng trong đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất nhiều chục năm qua trong bối cảnh các nhà khoa học và chính phủ chuẩn bị phát cảnh báo mới về mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Dự báo, nhiệt độ ở Hy Lạp sẽ đạt 48 độ C, mức cao kỷ lục mọi thời đại ở châu Âu. Nhiệt độ cao khiến cháy rừng hoành dành dữ dội tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Italy và Phần Lan.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này trải qua cả lũ lụt và cháy rừng. Tháng trước, nhiệt độ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt kỷ lục mới: 49,1 độ C.

Chú thích ảnh
Người dân lùa cừu tránh cháy rừng ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/8. Ảnh: AFP

Tuần trước, trên 100 đám cháy rừng đã xảy ra dọc bờ biển miền nam, khiến ít nhất 8 người tử vong. Hàng nghìn người đã phải sơ tán bằng thuyền khi ngọn lửa bao trùm các khu nghỉ dưỡng và làng mạc ven biển. Ít nhất 3.000 gia súc đã chết cháy. Tính tới 2/8, các đám cháy cơ bản được kiểm soát.

Chú thích ảnh
Cháy rừng đang lan gần tới khu vực nhà máy nhiệt điện tại thị trấn Milas, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 4/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bị chỉ trích dữ dội vì cách xử lý cháy rừng. Người dân ở Antalya đã giận dữ chất vấn Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khi ông tới đây thị sát vì chính phủ không điều máy bay chữa cháy tới đây.

Ông Erdogan thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ không có máy bay chữa cháy còn nhàn rỗi và phải mượn từ các nước khác.

Tại Hy Lạp, đợt nắng nóng nghiêm trọng cũng khiến nước này khốn đốn. Các nhà khí tượng cảnh báo nhiệt độ sẽ đạt gần mức kỷ lục.

Chú thích ảnh
Nhân viên cứu hỏa nỗ lực khống chế đám cháy rừng tại Varybobi, Acharnes, Hy Lạp, ngày 3/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis ngày 2/8 cho biết nước này đang trải qua đợt sóng nhiệt tệ nhất từ năm 1987. Ông đã đề nghị người Hy Lạp giảm sử dụng điện và yêu cầu người dân tránh làm việc, đi lại không cần thiết.

Chú thích ảnh
Máy bay phun nước dập lửa cháy rừng tại Labiri, Hy Lạp, ngày 31/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nắng nóng đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực “thung lũng tử thần” ở miền trung Hy Lạp, nơi nhiệt độ lên tới trên 44 độ C ngày 2/8. Người dân ở Larissa, một thành phố trong khu vực, còn có thể rán trứng ngoài trời mà không cần dùng bếp.

Chú thích ảnh
Nhân viên cứu hỏa nỗ lực khống chế đám cháy rừng tại Varybobi, Acharnes, Hy Lạp, ngày 3/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở châu Âu là 48 độ C, cụ thể là ở Athens (Hy Lạp) năm 1977. Dự báo, nhiệt độ ở Larissa có thể chạm mức kỷ lục đó.

Video dân Hy Lạp tháo chạy khỏi cháy rừng (nguồn: Guardian):

Cùng với nắng nóng, lính cứu hỏa Hy Lạp phải dập 116 đám cháy trong cuối tuần qua. Do nhiệt độ sẽ sơm đạt đỉnh nên nguy cơ cháy rừng vẫn còn cao.

Ông Christos Zerefos, giáo sư vật lý khí quyển, nhận định: “Tới cuối tuần này, khi có gió tháng 8 như thường lệ, nguy cơ cháy sẽ còn lớn hơn. Mọi thứ sẽ khô cong và chỉ chờ bốc cháy”.

Tại Italy, nhiệt độ cũng lên tới 40 độ C ở nhiều khu vực hồi cuối tuần qua. Hàng trăm người đã phải sơ tán khỏi Sicily khi cháy rừng hoành hành dữ dội khắp miền nam Italy. Trước đó một tuần, đảo Sardinia cũng xảy ra cháy rừng nghiêm trọng. Trong khi đó, tuần trước, miền bắc Italy xảy ra lũ lụt và lở đất.

Tuần trước, cháy rừng còn lan tới tận cực bắc châu Âu khi Phần Lan xảy ra cháy rừng nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua. Nhiệt độ ở Phần Lan đã đạt kỷ lục hồi đầu tháng 7.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên từ đám cháy rừng ở Kalajoki, Phần Lan. Ảnh: AFP

Các nhà dự báo thời tiết cho biết nhiệt độ như thiêu đốt ở miền nam châu Âu là do vòm nhiệt, tức là nhiệt bị mắc kẹt trên một khu vực trong nhiều ngày, nhiều tuần. Điều tương tự cũng xảy ra ở miền tây Bắc Mỹ vừa rồi.

Trong khi nhiều khu vực châu Âu đang nóng cực độ, các cuộc đàm phán giữa chính phủ các nước và giới khoa học về ngôn từ trong bản tổng hợp thông tin về khoa học khí hậu 7 năm qua đang diễn ra trực tuyến.

Báo cáo đánh giá thứ sáu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) sẽ được công bố ngày 9/8. Báo cáo sẽ rút ra kết luận rõ ràng nhất từ trước tới nay về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Ông Friederike Otto, Phó giám đốc Viện Biến đổi Môi trường tại Đại học Oxford và là tác giả chính của báo cáo IPCC, nhận định: “Biến đổi khí hậu đang khiến mọi làn sóng nhiệt đang diễn ra hôm nay ngày một nghiêm trọng hơn”.

Thùy Dương/Báo Tin tức