12:23 15/12/2011

Sau khủng hoảng nợ công sẽ là mô hình kinh tế bền vững

Thời gian tới, khi các cuốn sách lịch sử được biên soạn, từ "nợ" chắc chắn sẽ là từ được nhắc đến nhiều nhất trong câu chuyện về nền kinh tế thế giới năm 2011.

Thời gian tới, khi các cuốn sách lịch sử được biên soạn, từ "nợ" chắc chắn sẽ là từ được nhắc đến nhiều nhất trong câu chuyện về nền kinh tế thế giới năm 2011.

Trở lại thời điểm năm 2009, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã nêu bật một thực tế là mô hình phát triển kinh tế dựa vào phương pháp chi nhiều hơn thu - vốn là mô hình phát triển cơ bản lúc bấy giờ - sẽ không thể tồn tại mãi. Hai năm đã trôi qua, các khoản nợ từng tàn phá hệ thống tài chính toàn cầu không những không được giải quyết, mà nó còn truyền từ khu vực tư nhân sang chính phủ.

Trong 12 tháng qua, cuộc khủng hoảng này đã tái định hình bức tranh kinh tế toàn cầu: Châu Âu đang phải vật lộn với các khoản nợ ngày càng lớn, Mỹ phải tập trung thúc đẩy kinh tế còn các nền kinh tế mới nổi phải tìm cách để ngăn chặn mọi rủi ro.

Theo giới phân tích, chính sự yếu kém về tài chính của các chính phủ, cộng với những lo ngại về nền tảng kinh tế và khả năng thanh khoản của thị trường đã khiến cho cuộc khủng hoảng nợ công trở thành một hiểm họa toàn cầu nghiêm trọng vào năm 2012.

Bức tranh kinh tế của Mỹ hiện cũng không mấy sáng sủa. Các số liệu thống kê cho thấy nợ công của nước này đã lên đến mức kỷ lục là 15.000 tỷ USD, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa kết thúc ngày 30/9/2011 là 1.300 tỷ USD. Trong thời gian tới, việc cắt giảm thâm hụt ngân sách đối với Mỹ là điều khó thực hiện.

Trong khi châu Âu và Mỹ đang phải vật lộn để kiềm chế lạm phát, thì các nền kinh tế mới nổi có vẻ như ít phải lo lắng hơn. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ nợ công tính theo GDP của các thị trường mới nổi trong giai đoạn 2007 - 2010 được duy trì ở mức 36%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của các thị trường phát triển khác (con số này tại các nước phát triển đã tăng từ 73% lên 96% trong cùng thời kỳ).

Trong báo cáo "Viễn cảnh Toàn cầu năm 2012", Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến sự 'biến đổi khí hậu' của nền kinh tế”. Theo UBS, các quốc gia châu Á - bao gồm Trung Quốc và Inđônêxia - nhìn chung có nền kinh tế ổn định hơn so với Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng tại khu vực đồng euro sẽ có những tác động nhất định đến nhiều nền kinh tế, kể cả những nền kinh tế châu Á mới nổi và đang phát triển nhanh chóng. Bản dự báo mới nhất của một cơ quan ở Mỹ đưa ra hồi đầu tháng 12/2011 cho biết một số nền kinh tế phát triển đang đứng trước nguy cơ của một cuộc suy thoái kép, đe dọa kéo theo các nước khác trên thế giới.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng thực trạng dân số lão hóa và các nguồn tài nguyên khan hiếm có thể khiến giá cả leo thang, từ đó sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các nền kinh tế mới nổi trong việc kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng tới tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, việc tái cấu trúc kinh tế sâu rộng nhằm tận dụng nguồn tăng trưởng nội địa và nâng cấp hoạt động sản xuất là cách duy nhất để đương đầu với thách thức.

Mặc dù các khoản nợ công ngày càng lớn của phương Tây đã cản trở tiến trình phục hồi kinh tế yếu ớt, song một vài dấu hiệu khả quan đã xuất hiện khi nhiều quốc gia dần thoát khỏi đà tụt dốc và bắt đầu đưa ra các chiến thuật mới nhằm khôi phục sự phát triển. Chẳng hạn, châu Âu đã nhất trí phác thảo một thỏa thuận mới nhằm áp đặt các quy định ngân sách nghiêm khắc hơn để đẩy lùi cuộc khủng hoảng nợ công. Đây là bước tiến lớn hướng tới một Liên minh châu Âu hội nhập hơn.

Lịch sử đã rút ra một bài học rằng sau khi thoát khỏi khủng hoảng, bao giờ cũng xuất hiện một động lực thay đổi mạnh mẽ. Do tiến trình tái cân bằng kinh tế trên phạm vi toàn cầu đang diễn ra, người ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng cuộc khủng hoảng nợ công sẽ không gây ra những thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế thế giới, mà thay vào đó nó sẽ làm xuất hiện một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, có thể giúp nền kinh tế toàn cầu tồn tại và thịnh vượng.

TTK