05:11 30/05/2019

Sâu keo phá hoại gần 280 ha hoa màu ở Đồng Nai

Ngày 30/5, ông Nguyễn Tràng Thịnh, Trưởng Trạm kiểm dịch thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 5/2019 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 280 ha hoa màu bị loại sâu keo mùa thu phá hoại. Đây là loại sâu hại xâm nhập lần đầu tiên xuất hiện ở Đồng Nai.

Theo thống kê của Trạm kiểm dịch thực vật tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích trồng ngô trên địa bàn tỉnh là hơn 10.000 ha. Từ ngày 3/5, loại sâu keo mùa thu bắt đầu xuất hiện, phá hoại cây trồng. Chỉ sau một tháng, loại sâu này đã phá hoại hơn 276 ha ngô, chủ yếu xuất hiện ở các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Thống Nhất, Tân Phú.

Chú thích ảnh
Con sâu keo mùa thu đang phá hoại cây ngô.

Qua ghi nhận thực tế, đặc điểm nhận dạng của loại sâu keo mùa thu là đốt đuôi cuối cùng có 4 chấm đen hình vuông và các đốt trên xếp hình thang, đầu có chữ y ngược màu vàng. Sâu thường xuất hiện trên các ruộng ngô còn non, khoảng 20 - 35 ngày tuổi. Đặc biệt là những cây ngô đang ở giai đoạn từ 3 - 7 lá.

Ông Nguyễn Tràng Thịnh cho biết, khác với các loài sâu từng gây hại trước đây, sức cắn phá của sâu keo mùa thu rất khỏe, tốc độ phá rất nhanh. Qua kết quả điều tra, trên mỗi đọt ngô, thường chỉ có một con sâu trưởng thành, nhưng chỉ sau vài ngày xuất hiện, chúng có thể cắn và ăn hết phần lá non ở ngọn và thải lượng phân rất lớn.

Ông Sì Sây Và ở huyện Cẩm Mỹ cho biết: "Khi cây ngô được khoảng 30 ngày tuổi, phát hiện có giống sâu lạ phá ruộng ngô rất nhanh. Chúng tôi đã mua các loại thuốc diệt trừ sâu bệnh thường dùng để phun xịt, tuy nhiên đã xịt đến 4 lần vẫn không tiêu diệt được loại sâu lạ này".

Ông Sì Sây Và cho biết, hơn 6 sào ngô của gia đình đều bị loại sâu cắn ngang ngọn, vì đây là lần đầu sâu xuất hiện cắn phán nên chưa biết sau cây có ra bông được không, nếu không chỉ có thể cắt thân bán cho bò, giá trị rất thấp.

Theo ông Giệp A Sáng, ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, đến nay loại sâu này đã phá hoại trên 50% diện tích ngô của gia đình. Những vụ trước diện tích ngô cũng bị các lọai sâu cắn phá, nhưng khi phát hiện phun thuốc diệt trừ thì sâu chết hoàn toàn. Nhưng loại này dù phun cũng không chết.

“Với tình hình này, sâu bệnh sẽ ngày càng lan rộng với tốc độ rất nhanh, khó có thể khống chế được. Mặc dù đã được cảnh báo, phun các loại thuốc diệt trứng sâu nhưng vẫn không thể khống chế được” ông Giệp A Sáng lo lắng.

Ông Nguyễn Tràng Thịnh cho biết, trước khi có sự xuất hiện của loại sâu keo mùa thu, Trạm Kiểm dịch thực vật tỉnh Đồng Nai đã hướng dẫn bà con chủ động phòng trừ sâu bệnh. Cụ thể hướng dẫn bà con làm sạch cỏ dại xung quang để hạn chế nơi sâu non trú ẩn; làm đất, phơi đất, diệt nhộng trong đất; luân canh giữa ngô và lúa nước để diệt nhộng trong đất; khi phát hiện có sâu sử dụng những biện pháp thủ công như bắt sâu, thường xuyên thăm đồng đặc biệt là giai đoạn cây ngô từ 3 đến 7 lá, khi có sâu thì bắt sâu trưởng thành và bắt ổ trứng. Đặc biệt hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học để bảo vệ thiên địch, sử dụng bẫy để diệt sâu trưởng thành...

Sau khi ghi nhận sâu xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Trạm Kiểm dịch thực vật tỉnh Đồng Nai đã thông báo cho bà con biết tác hại của loại sâu này, đặc điểm nhận dạng, tập huấn các cách phòng chống khi phát hiện có sâu. Đối với những hộ dân có diện tích cây trồng mắc sâu bệnh, Trạm đã khoanh vùng lại và hướng dẫn người dân cách xử lý...

Theo thông báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), sâu keo là một loài sâu hại mới có tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera Frugiperda. Loài sâu này phát hiện lần đầu vào tháng 7/2018 tại Ấn Độ và sau đó là các quốc gia Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc…

Sâu keo có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho ngô và nhiều loại cây trồng khác. Sâu có thể gây hại trên 300 loài thực vật như ngô, lúa, đậu tương, mía, rau… ; trong đó, thức ăn ưa thích nhất là ngô nếp, ngô ngọt và ngô rau.

Tin, ảnh: Lê Xuân (TTXVN)