02:09 07/02/2017

Sau 8 vụ tai nạn kinh hoàng dịp Tết, siết chặt cảnh giới đường ngang

Ngay sau công điện 03/CĐ-UBATGTQG (ngày 6/2) của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công an, các địa phương có đường sắt đi qua siết chặt các biện pháp kéo giảm tai nạn đường sắt, Bộ GTVT đã họp khẩn siết chặt các biện pháp cảnh giới đường ngang.

Bộ GTVT yêu cầu các địa phương siết chặt cảnh giới đường ngang qua đường sắt 24/24 giờ.

Còn 200 điểm đen đường ngang

Năm 2016 và sau hàng loạt các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng trong tháng 1/2017 xảy ra chủ yếu tại các đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt, cho thấy quá nhiều tình trạng bất cập trong quản lý đường ngang tại các địa phương.

Đơn cử, đường ngang Km 15+380 (Thường Tín, Hà Nội), nơi xảy ra vụ tai nạn ngày 24/10/2016, làm 7 người trên xe ô tô chết. Đường ngang này có cảnh báo tự động, nhưng tại đây, người dân tự ý lắp cần chắn và không có cảnh giới 24/24 giờ. 

Hay ngày 4/2/2017 liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng vào lúc 15 giờ 20 phút trên đường ngang dân sinh (cảnh báo bằng biển báo) tại Km 98 + 812 trên đường sắt Bắc – Nam, thuộc huyện Vụ Bản (Nam Định) làm lái xe chết tại chỗ, 5 người bị thương và lúc 16 giờ 5 phút tại đường ngang Km 21+500 trên đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, thuộc xã Lạc Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên) do tàu LP5 va vào xe ô tô 4 chỗ ngồi vượt đường ngang, làm 1 người bị thương nặng, 2 người bị thương.

Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), từ ngày 1/1 - 4/2, cả nước đã xảy ra 43 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 19 người, bị thương 38 người, giảm 2 vụ, tăng 8 người bị thương so với cùng kỳ năm 2016.

Riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu (từ 26/1 -1/2), cả nước xảy ra 8 vụ, làm chết 6 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 3 vụ (60%), tăng 3 người chết (100%), tăng 7 người bị thương (175%).

Nguyên nhân không mới, chủ yếu vẫn do người dân vi phạm quy định pháp luật khi qua khu vực giao cắt đường sắt - đường bộ (chiếm đến 54%). Bên cạnh đó, là do hệ thống đường sắt có quá nhiều điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ (gần 5.800 điểm, tỷ lệ lối đi dân sinh chiếm 74%). Thực tế, 80% số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt này.

Tổng giám đốc VNR Vũ Tá Tùng cho biết, hàng năm VNR phải đầu tư hàng tỷ đồng để bồi dưỡng cho các nhân viên đường sắt tình nguyện gác tại 39 đường ngang, đường dân sinh, thực hiện quy chế phối hợp giữa các tỉnh và Bộ GTVT để cảnh giới gần 200 “điểm đen” đường ngang, nhưng hiện vẫn còn nhiều địa phương có đường sắt đi qua không tổ chức cảnh giới. 

Thêm gờ giảm tốc, cảnh giới 24/24 giờ

Cuộc họp khẩn giữa Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia và các địa phương đã đưa ra các giải pháp cấp thiết làm ngay là làm gờ giảm tốc, cảnh giới 24/24 giờ tại các đường ngang, tăng cường tín hiệu ánh sáng trên đầu máy khi tàu hỏa hoạt động và tại các điểm giao cắt để người dân, người đi đường dễ nhận biết, làm hàng rào, đường gom... nhằm kéo giảm ngay tai nạn đường sắt hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, biện pháp làm gờ giảm tốc tại các đường ngang không người gác, đường dân sinh là biện pháp cấp bách cần được ưu tiên ngay. 

Bên cạnh đó, để tăng cường cảnh giới tại các điểm giao cắt có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, các địa phương phải rà soát, xem xét lại cụ thể cũng như quy định rõ thời gian, hình thức cảnh giới… “ Cần cảnh giới 24/24 giờ, nếu không sẽ thành cái “bẫy” đối với người tham gia giao thông”, ông Vũ Tá Tùng cho hay. 

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu VNR có giải pháp cụ thể tại từng điểm đen và các cung đoạn có mật độ chạy tàu lớn, nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt caoTNGT cao và phối hợp với các địa phương khẩn trương thống nhất công tác cảnh giới như: Lắp gương lồi, thay đổi, tăng cường tín hiệu ánh sáng trên đầu máy và tại các điểm giao cắt để dễ nhận biết… tiến tới xóa bỏ đường ngang dân sinh bằng cách làm hàng rào, đường gom, cần chắn tự động…

Đăng Sơn