07:17 24/07/2015

Sau 54 năm kiên cường, Cuba đã có thể đàm phán ngang hàng với Mỹ

Cuộc trao đổi với ông Sergio Alejandro Gómez, Trưởng ban Quốc tế và Đặc phái viên của nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba.

Trong nỗ lực tìm hiểu những đánh giá, nhận định từ phía Cuba về sự kiện Cuba va Mỹ chính thức tái thiêt lập quan hệ ngoại giao và mở lại Đại sứ quán tại thủ đô của nhau, phóng viên TTXVN tại Cuba đã có cuộc trao đổi với ông Sergio Alejandro Gómez, Trưởng ban Quốc tế và Đặc phái viên của nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba.

Ông Gómez là người theo dõi quá trình thương lượng giữa hai nước, và vừa trở về từ thủ đô Washington sau khi tham dự và tường thuật lễ thượng cờ của Đại sứ quán Cuba tại đây.

Nhà báo Sergio Alejandro Gómez, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.


Trước tiên, xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện Cuba và Mỹ mở lại hai đại sứ quán tại thủ đô của nhau ngày 20/7 vừa qua?

Kể từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao ngày 3/1/1961 cho tới ngày 17/12/2014 vừa qua, không một chính quyền Mỹ nào trong 11 đời tổng thống công nhận tính hợp pháp của chính phủ cách mạng Cuba. Và đây chính là ý nghĩa quan trọng nhất của việc hai bên tái thiết lập quan hệ ngoại giao và mở lại Đại sứ quán ngày 20/7, khi Mỹ chính thức công nhận tính hợp pháp của chính quyền Cuba.

Bên cạnh tính biểu tượng và ý nghĩa tinh thần to lớn cho thế hệ cách mạng Cuba, sự kiện lịch sử này còn thay đổi một loạt các yếu tố trong thực tiễn, ví dụ như trong việc bảo hộ các thương hiệu và bằng sáng chế ngay cả khi vẫn bị Mỹ tiếp tục cấm vận vì đây là hai vấn đề tách biệt nhau.

Hơn nữa, bước đi này cũng tác động tích cực tại các nước thứ 3 trên khía cạnh đánh giá lợi ích và nhìn nhận về chúng tôi. Doanh nhân từ một nước thứ 3 khi thấy Cuba và Mỹ đang tiến triển trong việc bình thường hóa quan hệ, sẽ nhận định rằng kinh doanh tại đất nước tôi không còn phải đối diện rủi ro, nguy hiểm từ phía Mỹ và do đó họ sẽ quan tâm hơn tới việc đầu tư vào Cuba.

Bên cạnh đó, quá trình giảm bớt căng thẳng trong quan hệ hai bên cũng sẽ làm tăng lượng khách Mỹ tới đất nước chúng tôi, mặc dù Cuba vẫn là nước duy nhất trên thế giới mà công dân Mỹ bị chính Chính phủ nước này cấm đi lại theo dạng du lịch.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã nới lỏng việc kiểm soát người Mỹ tới Cuba theo các hình thức trao đổi văn hóa, tôn giáo, học thuật,… và khiến lượng người Mỹ tới Cuba theo hình thức này tăng nhanh, củng cố tiếp xúc giữa nhân dân hai nước. Chính vì vậy, có thể khẳng định sự kiện ngày 20/7 vừa qua không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn có những hiệu ứng rất lớn trong thực tế.

Đề cập tới du lịch, đã có nhiều thông tin về lượng khách Mỹ tới Cuba tăng mạnh trong năm nay. Liệu việc hai nước chính thức tái thiết lập quan hệ ngoại giao còn mang lại những thay đổi kinh tế nào khác tại Cuba, cả về mặt vĩ mô cũng như trong cuộc sống hàng ngày?

Mặc dù chưa phải là số liệu chính thức, nhưng lượng người Mỹ thăm Cuba trong nửa đầu năm nay đã tăng khoảng 50%, và đã đạt một con số đáng kể mặc dù, như tôi đã trình bày, họ vẫn chưa được tự do đến Cuba dưới dạng du lịch.

Có những nghiên cứu khá nghiêm túc cho rằng nếu Mỹ dỡ bỏ mọi hạn chế về đi lại tới Cuba đối với công dân của mình, lượng khách Mỹ tới Cuba có thể lên tới mức từ 3 tới 5 triệu người/năm, hay đồng nghĩa với việc tăng gấp đôi lượng khách quốc tế tới Cuba so với hiện tại, và điều này tất nhiên sẽ kéo theo những đầu từ vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ.

Ở đây cũng xin nói thêm rằng, Cuba đã phát triển mạnh du lịch từ những năm 1990 và điều này dù có tác động lớn tới kinh tế - xã hội nhưng không thay đổi nền móng xã hội Cuba, vì vậy tôi tin rằng nếu có một làn sóng du lịch từ Mỹ vào Cuba, tất nhiên sẽ mang lại nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng và bộ mặt đất nước chúng tôi, nhưng sẽ không thể tạo ra những thay đổi làm biến chất xã hội Cuba.

Về các lĩnh vực khác, sau tuyên bố ngày 17/12, Tống thống Obama đã đưa ra một số biện pháp nới lỏng cấm vận, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/1. Dù nhìn chung các biện pháp này vẫn chỉ tác động tới phần rất nhỏ của chính sách cấm vận khi chỉ tập trung chủ yếu vào phần viễn thông và các doanh nghiệp tư nhân, và cho tới nay vẫn còn nhiều điều khó hiểu khi áp dụng vào thực tiễn, nhưng dẫu sao nhờ đó nhiều công ty Mỹ trong vài tháng qua đã bày tỏ sự quan tâm tới Cuba bằng các hoạt động khảo sát thị trường, tìm hiểu cơ chế mới...

Dù các khoản đầu tư mới vẫn chưa tới, nhưng bản thân sự quan tâm này đã là điều gì đó quan trọng, vì họ sẽ hiểu thực tế Cuba hơn, nắm bắt tốt hơn những cơ hội kinh doanh tại đây, ví dụ như tại Đặc khu phát triển Mariel nơi chúng tôi có một cảng nước sâu có đủ khả năng để trở thành cảng hàng đầu tại Caribe.

Tất nhiên, chặng đường phía trước sẽ còn rất dài và phức tạp, với những vấn đề nan giải như xóa bỏ chính sách cấm vận bất công và tàn bạo, trả lại phần lãnh thổ tại Guantanamo mà Mỹ đã chiếm đóng của Cuba để biến thành căn cứ quân sự, ngừng các chương trình nhiều triệu USD nhằm lật đổ chính phủ Cuba do chính quyền Mỹ trực tiếp tài trợ dưới cái ô thúc đẩy dân chủ, ngừng phát sóng các chương trình phát thanh truyền hình chống phá nhà nước Cuba và đền bù những thiệt hại mà cuộc bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ đã gây ra cho nhân dân Cuba. Rõ ràng với những vấn đề lớn như vậy thì quan hệ hai bên vẫn chưa thể coi là bình thường.

Tuy nhiên, với việc mở lại hai Đại sứ quán ngày 20/7 vừa qua, khi quốc kỳ Cuba tung bay và quốc ca Cuba ngân vang tại thủ đô nước Mỹ, hai bên đã chính thức hoàn thành bước đầu tiên của chặng đường, và công khai bày tỏ mong muốn giải quyết khác biệt thông qua đối thoại.

Cần nhớ rằng khác biệt giữa Cuba và Mỹ không phải bắt đầu từ khi Cách mạng Cuba thành công năm 1959 mà từ đầu thế kỷ trước khi họ can thiệp quân sự và từ đó thao túng đất nước chúng tôi. Cá nhân tôi thường liên tưởng cuộc đấu tranh của chúng tôi với cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam rất đỗi quen thuộc với người Cuba: các bạn đã phải trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt với những hi sinh to lớn đề giành lấy quyền tự chủ và tự quyết con đường phát triển của mình.

Và chúng tôi cũng vậy, 54 năm vừa qua đối với nhân dân Cuba là một chặng đường rất dài và gian khó, nhưng nó cũng đã chứng minh được sức kháng cự kiên cường của nhân dân đất nước chúng tôi mà nhờ vào đó, giờ đây Cuba có thể đối thoại với Mỹ với tư cách ngang hàng chứ không phải trong tư thế bị áp đặt và lệ thuộc.

Người dân Cuba chụp ảnh luu niệm trước Đạ sứ quán Mỹ trong ngày 20/7 lịch sử.


Như ông vừa phân tích, chúng ta biết rằng quá trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Cuba – Mỹ sẽ còn rất dài và phức tạp, vậy sau cột mốc này, đâu có thể là các bước tiến cụ thể tiếp theo trong quan hệ hai nước?

Trong giai đoạn đàm phán đầu tiên vừa khép lại ngày 20/7, hai bên không đưa ra điều kiện tiên quyết mà chỉ đặt lên bàn đàm phán các nhóm vấn đề cần thảo luận. Trong số này có nhóm các vấn đề gai góc như những yêu cầu vừa nêu của Cuba, hay yêu cầu từ phía Mỹ đòi Cuba bồi thường các tài sản bị Cách mạng tịch thu.

Nhưng cũng có những đề tài mà hai bên cùng quan tâm và thảo luận trước đó, nhưng từ nay có thể tiến triển nhanh hơn nhiều dựa trên quan hệ ngoại giao chính thức. Có thể kể ra việc hợp tác chống buôn lậu ma túy, chống buôn người, bảo vệ các rạn san hô và tài nguyên biển khác, hay trong lĩnh vực y tế.

Hai nước từng hợp tác hiệu quả trong chiến dịch ngăn chặn dịch Ebola tại Tây Phi vừa qua và còn có thể làm nhiều hơn nữa, hay việc rất nhiều loại thuốc của Cuba mà bệnh nhân Mỹ muốn sử dụng nhưng hiện nay vẫn chưa được phép do chính sách cấm vận, ví dụ như thuốc điều trị biến chứng tiểu đường dẫn tới hoại tử các chi.

Còn về các vấn đề phức tạp, phải khẳng định rằng đây là một mối quan hệ bất cân xứng: Cuba không có căn cứ quân sự nào tại Mỹ, cũng chẳng áp dụng bất cứ biện pháp nào mang tính đe dọa hay trừng phạt tới doanh nghiệp và thể chế của Mỹ, và do vậy cũng không thể thương lượng theo kiểu đổi chác trong vấn đề này.

Tôi tin tưởng rằng với sự hiểu biết, thiện chí và tôn trọng, hai bên có thể tiếp tục tiến bước như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, nhưng phải thừa nhận rằng đa phần các vấn đề gai góc xuất phát từ phía Mỹ, vì họ với tư cách là siêu cường mới là bên áp đặt các chính sách cản trở quan hệ.

Bên cạnh đó, cũng có những vấn đề mà hai bên có thể thẳng thắn đàm phán như bảo hộ thương hiệu và bằng sáng chế. Hiện tại nhiều thương hiệu xì gà và rượu rum nổi tiếng của Cuba do không được công nhận tại Mỹ nên bị nhiều doanh nghiệp tại đây xâm phạm, nhưng tình thế hiện tại đã khác.

Xin nhắc lại rằng trong hơn 5 thập kỷ qua, bất chấp việc không có quan hệ ngoại giao, Cuba vẫn bảo vệ hơn 5.000 thương hiệu của Mỹ ngay tại thị trường của mình dù đã có nhiều nhân vật từ nước thứ 3 từng đề nghị sản xuất sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng của Mỹ tại Cuba, nhưng chính phủ của chúng tôi luôn phản đối.

Hay 2 bên cũng có thể thay đổi về chất những thảo luận hiện có về đề tài di cư, đặc biệt là việc thay đổi Luật Điều chỉnh Cuba và chính sách “chân ướt, chân ráo” của Mỹ, trong đó trao quy chế ưu đãi đặc biệt cho công dân Cuba nhập cư vào Mỹ, do đó kích động làn sóng di cư bất hợp pháp và đặt nhiều sinh mạng Cuba vào vòng nguy hiểm.

Còn tiếp theo chúng ta có thể bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ rằng cách nhanh nhất và trực tiếp nhất vẫn là từ Tổng thống Mỹ, người có đầy đủ quyền hạn để nới lỏng các hạn chế của chính sách cấm vận trong mọi lĩnh vực.

Những gì ông đã quyết định nới lỏng với ngành viễn thông như các biện pháp ngày 16/1 vừa qua hoàn toàn có thể mở rộng và áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế khác, về chắc chắn chúng sẽ có tác động tích cực tức thì tới quan hệ kinh tế song phương.

Bài, ảnh: Vũ Lê Hà - Nguyễn Hòai Nam (P/v TTXVN tại Cuba)