01:09 26/01/2015

Sạt lở nghiêm trọng ở Bến Tre

Do tác động của triều cường, nước biển dâng cao, gió to, sóng lớn đập vào bờ, khiến cho tình trạng sạt lở ở Cồn Ngoài, thuộc ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận ngày càng nghiêm trọng.

Theo ông Lâm Văn Ô - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre), do tác động của triều cường, nước biển dâng cao, gió to, sóng lớn đập vào bờ, khiến cho tình trạng sạt lở ở Cồn Ngoài, thuộc ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp đường và cầu giao thông trong ấp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của hơn 50 hộ dân của ấp này.


Đoạn sạt lở dài khoảng 3km, sâu vào đất liền từ 10 - 40m, có nơi ăn sát chân cầu và đường, làm cho nhà của đội bảo vệ bãi nghêu Hợp tác xã thủy sản Bảo Thuận giống như nhà giàn giữa biển khơi khi nước dâng. UBND xã Bảo Thuận đã chi 40 triệu đồng mua lưới B40, đá, cừ dừa, thuê nhân công và xe cơ giới thi công khắc phục hậu quả, dự kiến đến cuối tháng 1/2015 mới hoàn thành.

Do kinh phí hạn chế, UBND xã Bảo Thuận chỉ tập trung sửa chữa, khắc phục những nơi sạt lở ảnh hưởng đến công trình dân sinh (cầu, đường); còn những hộ dân có đất bị sạt lở phải tự xoay xở, vay mượn tiền để chống sạt lở. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Phương đã ba lần phải vay mượn 50 triệu đồng mua cừ dừa, lưới B40, bao cát, thuê xe thi công chống sóng biển gây sạt lở để bảo vệ ngôi nhà đang ở. Bà Phương cho biết: "Tôi ở đây đã 21 năm nhưng chưa thấy năm nào nước biển lên cao và sóng lớn như năm nay. Đợt trước, tại khu vực này đã ốp vải nhựa vào thân đê nhưng không ăn thua. Sóng lớn đã cuốn sạch". Hộ anh Huỳnh Văn Lương có 6.000m2 đất cát trồng hoa màu nhưng từ tháng 10/2014 đến tháng 1/2015, sóng biển đã nuốt gần 2.000m2 đất mặt tiền bờ biển. Anh cho biết, chi phí để thuê xe, nhân công đắp đê, phủ vải nhựa lên thân đê để chống sóng biển ngoạm vào bờ, cuốn trôi cát ra biển không dưới 10 triệu đồng.

Trước thực trạng trên, người dân địa phương mong Nhà nước sớm quan tâm đầu tư xây kè chống sạt lở để có thể an tâm sản xuất và ổn định cuộc sống. Hiện ngoài công trình cầu, đường, đất sản xuất của dân bị sóng biển cuốn trôi và đe dọa cuốn trôi tiếp, tại Cồn Ngoài còn hơn 100 ha rừng dương (phi lao) phòng hộ cũng bị sóng biển đánh bật gốc ngã ngổn ngang và có nguy cơ mất trắng.


Văn Trí (TTXVN)