07:17 19/07/2019

Sạt lở hàng trăm mét bờ sông, thiệt hại gần 13 tỷ đồng

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn thành phố xảy ra 20 điểm sạt lở, ảnh hưởng 28 căn nhà, trong đó có bảy căn bị sạt hoàn toàn. Tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở 416m, ước thiệt hại khoảng 12,7 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Điểm sạt lở trên kênh Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh xảy ra giữa tháng 4/2019 nhấn chìm 4 căn nhà, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Tính đến ngày 18/7 trên địa bàn thành phố Cần Thơ tăng năm điểm sạt lở so với năm 2018. Hiện tại trên toàn thành phố có khoảng 200 điểm sạt lở; trong đó 50 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Một số vụ sạt lở lớn như tại khu vực đang thi công bờ kè chống sạt lở sông Ô Môn khu vực vàm Thới An; sạt lở trên kênh Cái Sắn dọc tuyến Quốc lộ 80 qua địa bàn xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, nhấn chìm bốn căn nhà của người dân…

Sau khi xảy ra các vụ sạt lở, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cùng chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát, tìm nguyên nhân để khắc phục, xuất quỹ phòng chống thiên tai hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp cùng địa phương khảo sát tổng thể tuyến kênh Cái Sắn, từ đó lập kế hoạch, dự toán khắc phục sạt lở trình UBND thành phố xem xét và tranh thủ sự hỗ trợ của bộ, ngành trung ương. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân di dời ở khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn; phối hợp với sở, ngành chức năng củng cố khu dân cư dành cho hộ dân ảnh hưởng sạt lở nhằm khuyến khích người dân vào xây dựng nhà ở.

UBND thành phố Cần Thơ cũng giao cho Chi cục Thủy lợi chuẩn bị triển khai thêm các tuyến kè chống sạt lở cấp bách trên địa bàn như: kè chống sạt lở rạch Cái Sơn (quận Bình Thủy) đã được UBND thành phố phê duyệt với dự toán kinh phí hơn 288 tỷ đồng; hai tuyến khác được UBND thành phố khảo sát, đồng ý cho thực hiện là kè chống sạt lở sông Ô Môn ở khu vực Thới Lai và kè chống sạt lở sông Trà Nóc thuộc phường Thới An Đông, quận Bình Thủy.

Bên cạnh đó, các giải pháp phòng, chống sạt lở dân gian, truyền thống, ít tốn kém cũng đã được sử dụng và phát huy hiệu quả như đóng cừ bằng dừa, tràm, bạch đàn và các vật liệu sẵn có tại địa phương. Bằng cách này, hiện nay đã có hơn 1.000m bờ sông của Cần Thơ được gia cố, phục vụ chống sạt lở và sẽ tiếp tục thực hiện, kết hợp với trồng cây bần trên các tuyến sông, kênh rạch để giữ đất, giảm nguy cơ sạt lở.

Tin, ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)