09:07 15/09/2014

Sạt lở đe dọa các tuyến đê chống lũ

Ông Lê Đức Thê, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Du, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vào cuối tháng 8, cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã làm sạt lở nghiêm trọng ở khu vực cống Tiên Du của xã, uy hiếp tuyến đường giao thông nông thôn, khiến nhiều người dân lo lắng.

Ông Lê Đức Thê, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Du, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vào cuối tháng 8, cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã làm sạt lở nghiêm trọng ở khu vực cống Tiên Du của xã, uy hiếp tuyến đường giao thông nông thôn, khiến nhiều người dân lo lắng.


Theo ông Trần Quyết, khu 1 xã Tiên Du, toàn bộ những khóm tre to được trồng cả chục năm nay đã bị nước cuốn trôi. Con đường bê tông vừa được đầu tư cũng bị sạt đến tận chân móng, gây nguy hiểm cho người dân. Nếu tình trạng sạt lở này kéo dài, khu vực đường bê tông sẽ bị khoét hàm ếch và có nguy cơ nứt, sạt trượt bất cứ lúc nào.


Cống Tiên Du được xây dựng cách đây hơn 50 năm và có nhiệm vụ tiêu úng cho 6 xã phía bắc của huyện Phù Ninh. Theo quan sát của phóng viên, nhiều điểm sạt lở ở khu vực cống Tiên Du đã ăn sát chân đê hữu Lô; hàng trăm búi tre ven sông của các hộ dân bị nước cuốn trôi. Trước thực trạng trên, UBND xã Tiên Du đã báo cáo với các ngành chức năng cần sớm xử lý, cải tạo lại sự cố sạt lở bờ sông Lô khu vực cống Tiên Du của xã, để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Trước mắt xã đã thông báo cho người dân chủ động và không cho người, súc vật đến gần khu vực sạt lở.


Trước đó, tình trạng sạt lở bờ sông ở khu dân cư 2, 3, 4 xã Yến Mao (huyện Thanh Thủy) cũng xảy ra nghiêm trọng với chiều dài khoảng 1,5 km; nơi sạt lở nguy hiểm nhất cách mặt đê khoảng 1,5 - 2 m, không chỉ đe dọa trực tiếp tới thân đê, mất đất canh tác mà còn uy hiếp nhà cửa, tài sản và tính mạng của người dân. Còn tại xã Trị Quận (huyện Phù Ninh), do ảnh hưởng của mưa lũ, cống Cầu Đen thuộc km31 đê hữu sông Lô thuộc địa bàn xã bị sạt lở mạnh, sập 4 ống cống, vị trí sạt đã lấn vào mái đê, đầu cống và dàn van bị gãy sập, không bảo đảm an toàn chống lũ.


Tỉnh Phú Thọ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xử lý khẩn cấp những khu vực bị sạt lở như: km7,41 - km7,53 đê hữu ngòi Giành, thuộc địa bàn xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê; khu vực sạt ở xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao; đoạn bờ, vở đê tả sông Chảy, thuộc địa bàn xã Vân Du, huyện Đoan Hùng bị sạt lở khoảng 550 m, vở lở cao từ 10 - 12 m, vị trí gần nhất chỉ cách chân đê 6 m cũng cơ bản được khắc phục... Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đoạn sạt lở nằm trên các địa bàn: Tam Nông, thị xã Phú Thọ, Lâm Thao và Đoan Hùng... do dòng chảy các sông thường xuyên thay đổi, nguy cơ sạt lở bờ vở sông tiếp tục diễn biến phức tạp.


Tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, đối với các vị trí đê xung yếu thuộc thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao và thị xã Phú Thọ, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão các địa phương phải xây dựng phương án chỉ huy xử lý sự cố, nhất là với tuyến đê bối trên địa bàn huyện Lâm Thao. Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần đảm bảo “4 tại chỗ” sẵn sàng đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra.

 

Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ và các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình hồ đập phải chuẩn bị vật tư dự trữ, huy động phương tiện, nhân lực đáp ứng kịp thời; tuần tra canh gác, phát hiện, xử lý sự cố công trình ngay từ đầu, chú ý quy trình vận hành hồ và phương án di dân vùng hạ du. Hệ thống trạm bơm phải bảo đảm máy móc, thiết bị hoạt động bình thường; khơi thông dòng chảy bảo đảm tiêu úng triệt để trong lưu vực từ trước thời điểm lũ tiểu mãn.

 

Tạ Văn Toàn