04:14 20/04/2025

Sắp xếp việc làm công chức Hà Nội sau khi bỏ cấp huyện, hợp nhất cấp xã

Ông Mai Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố sẽ chuyển 100% biên chế cấp huyện xuống xã, phường; đồng thời, chuyển một số cán bộ cấp thành phố xuống cơ sở.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản thông báo về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, 30 quận, huyện của Thủ đô, với 526 xã, phường sẽ được tổ chức lại còn 126 xã, phường. Trong đó, 12 quận trung tâm của Hà Nội có 153 phường, diện tích chiếm hơn 9% toàn thành phố, dân số chiếm 42%. Quận Long Biên có diện tích lớn nhất là 56 km2, quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ nhất là 5,17 km2, quận Hoàng Mai có dân số lớn nhất hơn 430.000 người, quận Tây Hồ có dân số ít nhất 167.000 người.

Khối 17 huyện và thị xã Sơn Tây có 373 phường, xã và thị trấn, chiếm 91% diện tích, dân số gần 58%. Trong đó, huyện Ba Vì có diện tích lớn nhất là 421 km2, huyện Thanh Trì có diện tích nhỏ nhất 63 km2. Về dân số, huyện Đông Anh có dân số lớn nhất là 427.000 người, Thị xã Sơn Tây có dân số ít nhất là 155.000 người.

Chú thích ảnh
TP Hà Nội sẽ đưa 100% cán bộ cấp huyện về làm việc tại các xã, phường.

Theo nghị quyết HĐND TP Hà Nội, biên chế công chức hành chính cấp huyện trở lên trong năm 2025 là 7.940 chỉ tiêu. Cán bộ, công chức phường là 3.680 chỉ tiêu; cán bộ, công chức xã, thị trấn 8.632 chỉ tiêu; số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã 8.065 chỉ tiêu.

Ông Phạm Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐND xã Quang Hà (huyện Phú Xuyên) cho rằng, khi thực hiện chủ trương bỏ cấp huyện, sáp nhập xã, để đảm bảo tinh gọn bộ máy, lực lượng cán bộ, công chức sẽ dôi dư nhiều. Do vậy, xã Quang Hà đề nghị bổ sung mở rộng đối tượng hưởng hưu trí với cán bộ đóng bảo hiểm xã hội hơn 20 năm, nghỉ hưu trước tuổi từ 10 - 15 năm.

Còn ông Nguyễn Đức Mạnh (xã Tự Lập, Mê Linh) cũng băn khoăn với vấn đề khi bỏ cấp huyện, thành phố đã đưa ra phương án sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư như thế nào? Chế độ, chính sách đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi ra sao...

Trước băn khoăn của cán bộ cấp cơ sở, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường cho hay, thành phố hiện không có chính sách riêng với cán bộ nghỉ hưu sớm do sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện theo chính sách của Trung ương. Về tổ chức bộ máy, thành phố sẽ chuyển 100% biên chế cấp huyện xuống xã, phường; đồng thời, cũng chuyển một số cán bộ cấp thành phố xuống cơ sở. Thành phố cũng tạm thời giữ nguyên biên chế trong 5 năm.

TP Hà Nội cũng sẽ thực hiện theo chủ trương của Trung ương là thúc hoạt động của cán bộ không chuyên trách; xem xét giải quyết chế độ, chính sách cho khoảng 8.000 cán bộ không chuyên trách theo hướng dẫn của Trung ương và thành phố.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, sẽ chỉ định nhân sự lãnh đạo các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Vì thời gian gấp, thành phố không thể có độ trễ nào, khoảng trống nào với người dân, doanh nghiệp. Về cán bộ dôi dư, theo chỉ đạo của Trung ương, trước mắt "gộp lại", chỉ định các lãnh đạo, rồi sau đó "giảm dần trong vòng 5 năm".

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến, dự kiến UBND xã có thể được tổ chức 5 cơ quan chuyên môn, gồm: Văn phòng; Phòng Kinh tế; Phòng Nội vụ Tư pháp; Phòng Văn hóa Xã hội và Trung tâm phục vụ hành chính công.

Theo Quyết định 759/CP của Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã, Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương với dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/1 cấp xã.

Quang Phong/Báo Tin tức và Dân tộc