10:13 07/10/2019

Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã ở Phú Thọ - Bài cuối: Gỡ khó trong giải quyết cán bộ, công chức dôi dư

Giải quyết chế độ chính sách đối với những trường hợp dôi dư khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại Phú Thọ đang là trăn trở của người đứng đầu ở mỗi địa phương. Để gỡ khó vấn đề này, tỉnh Phú Thọ đã có cách làm riêng, phù hợp với thực tế của địa phương.

Chú thích ảnh
Tỉnh Phú Thọ có 850 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi sáp nhập. Ảnh minh họa: baophutho.vn

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019-2021, tỉnh có 850 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi sáp nhập. Số cán bộ, công chức trên sẽ bố trí theo hướng điều động, luân chuyển đến các đơn vị hành chính cấp xã còn thiếu; tiếp nhận, bố trí làm công chức cấp xã; tuyển dụng làm công chức cấp huyện; tuyển dụng làm viên chức ở đơn vị sự nghiệp; nghỉ hưu theo quy định; thực hiện tinh giản...

 Giám đốc Sở Nội vụ Phú Thọ Ngô Đức Thịnh cho biết, quan điểm của Ðảng, Nhà nước là không đưa ai ra khỏi tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, không ai bị mất việc vì lý do sáp nhập. Với quan điểm đó, tỉnh đã đưa ra định hướng về công tác sắp xếp cán bộ, công chức.

Cụ thể, đối với các chức danh cấp phó (Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND cấp xã) thuộc chức danh cán bộ cấp xã, sau khi đơn vị hành chính mới thành lập bố trí tăng số lượng so với quy định. Các chức danh cấp trưởng tương ứng dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã chuyển sang chức danh cấp phó ở đơn vị hành chính mới thành lập.

Đối với chức danh trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng Công an, Chỉ huy Trưởng quân sự cấp xã (do chức danh cấp phó là người hoạt động không chuyên trách, hưởng chế độ phụ cấp) dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, căn cứ bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ, tiếp nhận bố trí vào các chức danh công chức phù hợp với bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ ở đơn vị hành chính cấp xã hình thành mới.

Số lượng các chức danh công chức cấp xã ở đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành bao gồm số lượng của chức danh công chức tương ứng ở đơn vị hành chính cấp xã trước khi sắp xếp, sáp nhập và các trường hợp tiếp nhận từ các chức danh tại trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng công an, Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã.

Riêng về chức danh Bí thư, Chủ tịch xã, tỉnh đưa ra hai phương án sắp xếp. Cụ thể, sau khi sáp nhập mà không bố trí được chức vụ tương đương cho phép bố trí làm Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách ở xã mới đến tháng 4/2020 sẽ bố trí lại. Phương án thứ 2 là bố trí cán bộ làm Phó Bí thư Đảng ủy xã khác, đến trước Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Người giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy của 3 - 4 xã nhập vẫn còn đủ tuổi tái cử ở nhiệm kỳ sau, có năng lực, đủ điều kiện tiêu chuẩn mà không thể bố trí được ở xã mới, có thể điều chuyển làm Phó Bí thư tăng thêm ở một xã khác đến tháng 4/2020, thời điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là phải bố trí lại. Đối với các ban ngành, đoàn thể, sẽ bố trí một người làm trưởng, hai người còn lại đủ điều kiện sẽ vận động họ làm Phó đoàn thể nhưng được giữ nguyên lương như cấp trưởng và chờ đến Đại hội sẽ bố trí, sắp xếp lại.

Bên cạnh đó, trường hợp người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, trên cơ sở tính toán cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu phương án giải quyết chế độ trợ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải nghỉ việc do sắp xếp.

Để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhiều huyện đã có cách làm riêng. Tại huyện Tam Nông, để giải quyết cán bộ, công chức dôi dư cùng với định hướng của tỉnh, huyện tăng cường vận động người trong độ tuổi có thể nghỉ hưu sớm trên tinh thần tự nguyện xin nghỉ để hưởng chế độ.

Huyện Hạ Hòa sẽ triển khai thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ, công chức đến các đơn vị hành chính khác trên cơ sở nguyện vọng cá nhân của cán bộ, công chức và ổn định cơ cấu ở các đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp, sáp nhập…

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động. Đây là việc khó nên trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Phú Thọ xác định phải thận trọng, khách quan, có lộ trình cụ thể, tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội. Do vậy, việc lựa chọn người đứng đầu và bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư không chỉ đối với các xã sáp nhập mà cả các xã khác đều phải trải qua một quy trình chặt chẽ, dân chủ, minh bạch để lựa chọn, bố trí con người đúng phẩm chất, năng lực và được tín nhiệm cao với một tinh thần khách quan, vô tư, công tâm.

Để thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, từ 1 năm trước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm, tuyển dụng các chức danh lãnh đạo, quản lý các công chức, hợp đồng. Do đó, việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập xã bước đầu cũng rất thuận lợi. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tạo thuận lợi nhất cho người dân tại xã sau sáp nhập việc giải quyết các giấy tờ liên quan đến giao dịch dân sự của người dân. Mọi thông tin liên quan đến giao dịch của người dân từ ngày 31/12/2019 trở về trước sẽ giữ nguyên, nếu phát sinh thay đổi người dân sẽ không phải mất kinh phí và chỉ thực hiện thay đổi từ ngày 1/1/2020. Tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời biểu dương, khen thưởng các địa phương làm tốt; đồng thời quan tâm, bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đề án.

Đào An - Tạ Toàn (TTXVN)