Việc sáp nhập hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng vào thành phố Cần Thơ không chỉ là bước đi lớn trong cải cách tổ chức hành chính mà còn là cơ hội quan trọng để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp.
Sau sáp nhập, thành phố Cần Thơ mở rộng sẽ có diện tích hơn 6.400 km², dân số hơn 4 triệu người, với 103 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Tuy quy mô địa lý và dân số tăng mạnh, nhưng tổ chức bộ máy không đi theo hướng “phình to”, mà sẽ được tái cấu trúc gọn nhẹ, tinh giản, hoạt động hiệu quả hơn.
Định hướng sắp xếp lại hệ thống tổ chức từ cấp sở, ngành đến cấp cơ sở
Khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ. Ảnh minh họa: Thanh Liên/TTXVN
Qua sà soát cho thấy, tổng số biên chế cán bộ công chức, viên chức được giao theo định mức của ba tỉnh, thành phố là 67.508 biên chế, trong đó thành phố Cần Thơ 22.419 biên chế, tỉnh Sóc Trăng 28.960 biên chế, tỉnh Hậu Giang 16.129 biên chế.
Ngay sau khi sáp nhập, việc tinh gọn bộ máy là một yêu cầu tất yếu nhằm giảm trùng lắp, phân bổ lại nhân sự phù hợp với cơ cấu tổ chức mới. Theo tính toán bước đầu, sẽ có khoảng 2.681 cán bộ, công chức, viên chức của ba địa phương thực hiện tinh giản theo quy định hiện hành, gồm thành phố Cần Thơ có 1.137 người, Sóc Trăng có 699 người và Hậu Giang có 845 người.
Con số tinh giản ngay khi sáp nhập, tuy không lớn so với tổng biên chế hiện hữu nhưng thể hiện sự chủ động và quyết tâm chính trị cao của địa phương. Quan trọng hơn, đây không phải là sự cắt giảm mang tính cơ học, mà là quá trình rà soát kỹ lưỡng theo vị trí việc làm, đánh giá năng lực cán bộ và định hướng sắp xếp lại hệ thống tổ chức từ cấp sở, ngành đến cấp cơ sở.
Tinh giản để tiết kiệm ngân sách là hướng đi đúng, nhưng không phải mục tiêu duy nhất. Điều cốt lõi là nâng cao chất lượng đội ngũ, loại bỏ tình trạng “thừa người, thiếu việc” ở nhiều cấp quản lý hiện nay. Việc tinh giản còn mở ra cơ hội lớn để trẻ hóa, chuyên môn hóa và chuyển đổi số đội ngũ công chức, viên chức, phù hợp với yêu cầu điều hành trong bối cảnh chính quyền điện tử, chính quyền số đang ngày một mở rộng.
Một trong những mục tiêu trọng tâm của việc tái cấu trúc này là nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy chính quyền. Với quy mô dân số hơn 4 triệu người, thành phố Cần Thơ mở rộng sẽ được tổ chức lại theo mô hình chính quyền đô thị hiện đại, kết hợp linh hoạt giữa đô thị trung tâm và các vùng nông thôn ven đô. Các chức năng quản lý sẽ được phân cấp mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng, tạo nền tảng cho xây dựng chính quyền số và chuyển đổi số toàn diện.
Trong quá trình sáp nhập, địa phương cần đặc biệt tiếp tục thực hiện tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các sở, ngành; đồng thời đảm bảo không làm gián đoạn việc cung ứng dịch vụ công, không gây xáo trộn đời sống dân cư. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các nền tảng số dùng chung sẽ giúp giảm mạnh thời gian xử lý công việc và tăng tính minh bạch, công khai trong hoạt động hành chính.
Một bộ máy chính quyền mới tinh gọn, minh bạch, năng động là tiền đề để nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS), và thu hút đầu tư vào thành phố Cần Thơ mới mạnh mẽ hơn thời gian tới.
Sáp nhập để tạo ra cực tăng trưởng mới cho toàn vùng Tây Nam Bộ
Việc sáp nhập ba địa phương không chỉ phục vụ mục tiêu hành chính đơn thuần, mà còn là đòn bẩy chiến lược để tạo ra cực tăng trưởng mới cho toàn vùng Tây Nam Bộ. Thành phố Cần Thơ mới sẽ khẳng định hơn trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của vùng, có đủ nguồn lực để dẫn dắt, điều phối, kết nối phát triển giữa các tỉnh lân cận như An Giang, Cà Mau, Vĩnh Long.
Một thành phố Cần Thơ mở rộng chỉ thực sự vận hành trơn tru, nếu chính quyền mới giữ được sự liêm chính, minh bạch và hiệu quả. Sáp nhập không thể thành công nếu chỉ "gộp tên", mà không gộp được trí tuệ, tinh thần cải cách và hiệu quả điều hành.
Một điều quan trọng trong quá trình tái cấu trúc bộ máy là phải đảm bảo sự đồng thuận xã hội và ổn định nội bộ hệ thống chính trị. Việc sắp xếp lại cán bộ, công chức không chỉ dựa vào con số, mà còn phải gắn với tiêu chí năng lực, vị trí việc làm và nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, các địa phương cần xây dựng kế hoạch đào tạo lại, bồi dưỡng kỹ năng mới cho đội ngũ cán bộ còn lại để thích ứng với yêu cầu công vụ trong bối cảnh mới, nhất là ở cấp xã, phường.
Những người thuộc diện tinh giản cũng sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định, với sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức đoàn thể, nhằm ổn định tâm lý, định hướng lại nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí phù hợp hoặc hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi đúng quy định.
Các cơ quan chức năng cần chủ động tư vấn, đào tạo lại, tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, hoặc bố trí công việc khác phù hợp cho người thuộc diện tinh giản, cần có giải pháp tâm lý, động viên tinh thần để họ an tâm, không cảm thấy bị bỏ rơi sau khi rời khỏi bộ máy bởi mỗi người là một câu chuyện riêng, một hoàn cảnh riêng. Chính vì thế, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đúng quy định, đầy đủ quyền lợi và nhất là truyền thông rõ ràng, công khai, minh bạch là điều rất cần thiết.
Việc sáp nhập ba địa phương không chỉ là hành động hành chính, mà là bước đi cấp tiến, mạnh mẽ và cần thiết trong bối cảnh yêu cầu đổi mới mô hình phát triển đang đặt ra cấp thiết. Tinh gọn bộ máy sau sáp nhập không thể là việc làm đối phó, hình thức, mà phải là bước đi thực chất, có chiều sâu, có chiến lược lâu dài. Chỉ khi bộ máy hành chính được tổ chức lại một cách gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả và gắn chặt với chuyển đổi số, thì sáp nhập mới mang lại giá trị thật sự.
Không có một nền hành chính mạnh nếu không tinh gọn đúng cách. Cũng không có nền kinh tế phát triển nếu bộ máy công quyền cồng kềnh, kém hiệu quả. Việc sắp xếp, hợp nhất các cơ quan, địa phương tương đồng chức năng sẽ giúp giảm đáng kể số lượng đầu mối, tiết kiệm chi phí vận hành và giảm áp lực ngân sách thường xuyên.