12:23 16/12/2012

Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử: Trở về quá khứ để tìm những bài học lớn

Ngày 15/12/2012, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) về đề tài lịch sử”.

Ngày 15/12/2012, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) về đề tài lịch sử”.

 

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Đến dự có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

 

Đánh giá thực trạng hoạt động sáng tạo VHNT về đề tài lịch sử, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương Nguyễn Hồng Vinh, cho biết, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của đất nước, sáng tạo VHNT về đề tài lịch sử có sự khởi sắc mới, xuất hiện một số kết quả cao về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật, gây được tiếng vang trong giới sáng tạo và công chúng như: Tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa”, “Mẫu thượng ngàn”, “Tám triều vua Lý”...; phim truyện lịch sử “Tây Sơn hào kiệt”, “Long thành cầm giả ca”, “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Huyền sử thiên đô”... Hay kịch lịch sử như “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Bài ca giữ nước”, “Chu Văn An”, “Đêm trắng”... Điều đó góp phần bồi dưỡng tri thức lịch sử, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự cường, lòng tự hào dân tộc, ngăn chặn cái ác, nhân rộng cái thiện, đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân, trở thành động lực tinh thần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.


Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã trình bày ý kiến về một số vấn đề lớn như: Thế nào là lịch sử và đề tài lịch sử; Thực trạng sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử ở nước ta hiện nay; Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử; Quan hệ giữa sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử với cuộc sống đương đại hôm nay; Những yêu cầu, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tác, lý luận, phê bình, trình diễn, quảng bá các tác phẩm viết về đề tài lịch sử...


Nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ là “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần” cho rằng, khi sáng tạo trong tiểu thuyết về đề tài lịch sử, người viết phải có nhu cầu tìm về cội nguồn, có nhu cầu khám phá những bước thăng trầm của lịch sử; phải tái hiện được tất cả những vinh quang và cay đắng mà lịch sử tiền nhân đã trải qua; phải quan tâm đến cấu trúc tác phẩm, tiểu thuyết lịch sử phải hư cấu sao cho đạt tới sự chân thực; thông điệp lịch sử của tác phẩm chính là giá trị nhân văn, giá trị tư tưởng, tác phẩm văn học sáng giá phải có tầm tư tưởng vượt lên cả thời đại... Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng chia sẻ kinh nghiệm: Khi viết tiểu thuyết lịch sử phải có cái tâm. Phải tôn trọng lịch sử, phải tỉnh táo và hết sức công tâm khi đánh giá các sự kiện và nhân vật lịch sử...


GS Nguyễn Văn Hạnh cũng cho rằng, viết về đề tài lịch sử là thể hiện ý thức, trách nhiệm, khát vọng của người nghệ sỹ muốn tìm hiểu sâu về dân tộc mình, đất nước mình, muốn qua tác phẩm trình bày với người đọc, người tiếp nhận về cuộc sống của cha ông, về các thời kì, các gương mặt, các sự kiện tiêu biểu trong lịch sử, giúp các thế hệ con cháu bây giờ và mai sau biết phải làm gì, phải sống như thế nào để xứng đáng với tiền nhân và tiếp bước trên con đường lớn xây dựng đất nước. Tác phẩm về đề tài lịch sử do đó có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong sinh hoạt văn học nghệ thuật, mà còn trong đời sống tinh thần chung của dân tộc và đất nước.


Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Trở về với lịch sử để thể hiện một cách trung thực, sinh động, hấp dẫn, để khám phá những vấn đề sâu sắc của lịch sử Việt Nam, của con người Việt Nam, là một trong những nhiệm vụ lớn lao của nền VHNT nước nhà. Tuy nhiên, trở về quá khứ không phải chỉ để ngưỡng mộ, ngợi ca, mà bằng năng lực, tài năng sáng tạo của mình, các văn nghệ sỹ sẽ khám phá trong lịch sử, trong quá khứ những kinh nghiệm, những bài học cần thiết cho cuộc sống hôm nay, cho sự nghiệp đổi mới, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Những bài học về giữ nước, chống xâm lăng, bảo vệ độc lập tự do, giữ vững cương vực, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Những bài học về xây dựng đất nước của cha anh qua việc phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân. Những bài học lớn về văn hóa, về đạo đức về đạo lý làm người... Song, dứt khoát tránh thái độ bóp méo, xuyên tạc, áp đặt lịch sử, xúc phạm niềm tự hào chân chính của nhân dân ta về lịch sử kiên cường, vinh quang của dân tộc, về những vị Anh hùng dân tộc mà công lao và đức độ đã trở thành điều thiêng liêng thẳm sâu trong mỗi trái tim con dân đất Việt.


Đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để văn nghệ sỹ phát huy tiềm năng, dành nhiều tâm huyết cho những tác phẩm có giá trị tái hiện, khám phá, thể hiện sâu sắc, chân thực lịch sử dân tộc ta vì cuộc sống và con người hôm nay và các thế hệ tương lai.


Phương Hà