Thời gian qua, chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng xã hội trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19, nhiều người dân, học sinh… tại tỉnh Bình Dương đã tự mày mò, nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ thiết thực hỗ trợ phòng, chống dịch.
Anh Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 1990, ngụ xã Phú An, thị xã Bến Cát, Bình Dương) hiện là đoàn viên công tác tại Trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương. Mang trong mình niềm đam mê sáng tạo, anh Tâm đã sáng chế ra chiếc máy phun khử trùng với mong muốn góp sức cùng địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Chiếc máy phun khử trùng tự động do anh Tâm sáng chế được tạo bởi một khung sắt gồm 3 thanh (1 thanh ngang và 2 thanh dọc). Quanh thanh sắt được kết nối ống nhựa dẫn dung dịch. Trên ống nhựa được lắp các van phun sương. Trên một thanh sắt gắn mắt tự động do anh Tâm sáng chế, người đi qua chỉ cần vẫy tay chào là máy tự động phun dung dịch khắp cơ thể từ đầu đến chân. Để vận hành máy phun, anh Tâm mua mô tơ thường dùng tạo phun sương thông dụng và chế tạo phù hợp tính năng của máy do mình sáng chế. Toàn bộ chi phí cho một chiếc máy hoàn thành khoảng 2,8 triệu đồng. Để hoàn thành một sản phẩm chỉ cần một ngày đêm; còn trong điều kiện gấp chỉ cần 9 giờ thực hiện là có thể hoàn thành một chiếc máy này.
Anh Tâm cho biết, chiếc máy này giúp giảm nhân lực, giảm nguy cơ lây chéo. Khi có người đi qua, máy sẽ tự động phun đều dung dịch khắp cơ thể. Tại khu cách ly hoặc điều trị bệnh nhân COVID-19 nếu đặt một chiếc máy ngay khu vực nhà vệ sinh sẽ rất phù hợp nhằm tránh lây chéo. Trong trường hợp địa phương nào cần máy này, anh sẽ không lấy bất kỳ khoản tiền nào ngoài chi phí mua vật liệu. Anh Tâm đã lên kế hoạch thực hiện khoảng 50 máy để bố trí tại các khu vực cách ly, phong tỏa trên địa bàn thị xã Bến Cát nhằm hỗ trợ địa phương nơi anh đang sinh sống.
Tại thành phố Thủ Dầu Một, để giúp các thầy cô ở Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, nơi mình từng theo học tránh lây nhiễm, giảm sức lao động khi hàng ngày đứng trước cổng trường đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho hàng trăm học sinh. Từ đầu năm 2021, hai em Nguyễn Thành Tài (lớp 8A1) và Nguyễn Điền Nam (lớp 9A4) đã nảy ra ý tưởng về một thiết bị tự động, vừa đo thân nhiệt vừa xịt tay sát khuẩn, thậm chí còn kiểm soát số lượng học sinh tới lớp hàng ngày.
Do cùng chung ý tưởng khi trình bày với giáo viên bộ môn Vật Lý, hai em tuy khác lớp nhưng đã kết hợp với nhau thực hiện dự án: "Thiết bị đọc thân nhiệt và khử khuẩn tự động kết hợp điểm danh thông minh" dưới sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, bố mẹ và các sở, ban ngành tỉnh Bình Dương.
Sau gần 4 tháng nghiên cứu, một thiết bị tự động thông minh đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng thử nghiệm tại trường. Thiết bị này đo chính xác thân nhiệt của từng học sinh, tự động phun nước sát khuẩn khi học sinh đưa tay ra phía trước, đồng thời ghi nhận vân tay để nhà trường điểm danh số lượng học sinh đến lớp vào ngày hôm đó. Thiết bị hoàn thành với giá từ 8 - 14 triệu đồng.
Em Tài và Nam cho biết, thiết bị này hoạt động dựa vào hệ thống cảm biến nhiệt tích hợp bên trong; nguồn điện được đấu nối trực tiếp vào lưới điện hoặc năng lượng được tích sẵn từ một tấm pin mặt trời đặt phía trên, phòng trường hợp không có điện sẵn. Về nguyên tắc hoạt động, máy được gắn một cảm biến thân nhiệt cao hơn chiều cao trung bình của học sinh. Người sử dụng chỉ cần đứng cách thiết bị khoảng 20 - 30cm, hệ thống cảm biến sẽ đo được nhiệt độ cơ thể, hiện thị trên màn hình Led gắn phía trước bảng điều khiển. Vì chiều cao của mỗi người khác nhau, một camera gắn phía trên máy sẽ ghi nhận hình ảnh và tự động nâng hạ mắt đo cảm biến nhiệt cho phù hợp. Cùng lúc này, ống dẫn nối từ bình đựng nước sát khuẩn ở bên trong thiết bị sẽ phun ra một lượng dung dịch vừa đủ để học sinh rửa tay khử khuẩn. Toàn bộ quy trình chỉ diễn ra chưa tới 5 giây. Đáng chú ý, tất cả dữ liệu về thân nhiệt cơ thể, vân tay ngoài việc thể hiện trên màn hình còn được truyền về máy chủ của nhà trường thông qua Google Drive, giúp nhà trường nắm được toàn bộ dữ liệu mà không tốn nhiều nhân lực.
Thiết bị này đã đạt giải Nhất trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật năm học 2020-2021 dành cho học sinh trung học tỉnh Bình Dương và được Ủy ban nhân dân tỉnh và 2 doanh nghiệp đặt hàng để trải nghiệm sản phẩm.
Ông Nguyễn Việt Long, quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cho biết, từ năm 2020 - 2021, Bình Dương ghi nhận 56 đề tài về khoa học công nghệ, trong đó có 4 đề tài về y tế.
Sở Khoa học và Công nghệ cùng ban lãnh đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh luôn khuyến khích việc phát triển thay đổi nhận thức của người dân về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực đời sống, hướng đến nền kinh tế số, kinh tế bền vững, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sở Khoa học và Công nghệ cũng khuyến khích, hỗ trợ đặc biệt cho các đề tài, dự án nghiên cứu phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trong và hậu dịch COVID-19. Người dân khi sáng tạo ra một sản phẩm, gặp khó khăn hay có sáng kiến, ý tưởng có thể liên lạc qua đường dây nóng 1022 của tỉnh để được hướng dẫn cụ thể.