06:06 05/06/2017

Sáng nay, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm

Mở đầu tuần làm việc thứ 3, sáng nay 5/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Phiên thảo luận được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.

Theo thông báo tại buổi họp báo về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (ngày 19/5), Báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 cho thấy, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, của Ủy ban nhân dân 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm; Báo cáo giám sát của 42 Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, các tài liệu có liên quan và kết quả khảo sát thực tế, Đoàn giám sát đã xây dựng báo cáo giám sát và Nghị quyết hoạt động giám sát về an toàn thực phẩm.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2011-2016, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng ban hành được một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật từ các văn bản Luật của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư liên tịch, Thông tư, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của các Bộ, ngành, các văn bản quản lý của các địa phương về an toàn thực phẩm.

Chất lượng các văn bản về cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, hình thành một hệ thống quy định pháp luật tương đối toàn diện, đầy đủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm. 

Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, thì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong thời gian qua cũng bộc lộ không ít tồn tại và hạn chế. 

Trong đó, đáng lưu ý là nhiều văn bản ban hành chậm và còn thiếu, chưa thực sự phù hợp, chưa được hệ thống hóa, còn chồng chéo, quy định phân công trách nhiệm cho các cơ quan đơn vị chưa thực sự khoa học và rõ ràng, cần phải sớm khắc phục trong thời gian tới. 

Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm đã có bước chuyển biến tích cực về cả về nhận thức và hành động. Cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm tăng lên. Hình thành nhiều vùng sản xuất thực phẩm an toàn và cơ sở kinh doanh theo chuỗi giá trị. 

Từ đó, đã đóng góp tích cực vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam; đáp ứng được yêu cầu chất lượng ngày càng cao về an toàn thực phẩm của hơn 160 thị trường nước ngoài, trong đó có các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc…. 

Nhiều loại nông sản như: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu...của Việt Nam đã đứng vào tốp đầu trong các nước xuất khẩu trên thế giới. An toàn thực phẩm đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người Việt Nam. Kết quả điều tra dân số lần thứ nhất tháng 3/1960, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 48 tuổi, đến năm 2010 là trên 72 tuổi, năm 2015 đã tăng lên đến 74 tuổi…

Báo cáo cũng đưa ra một số kiến nghị và giải pháp về về cơ chế, chính sách; về tổ chức thực hiện; về nguồn lực.

Trong tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 (Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp).

Các đại biểu thảo luận ở hội trường về: Việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018,...

Xuân Phong/Báo Tin Tức