12:16 21/12/2018

Sản xuất xanh, đón đầu công nghệ 4.0 trong chuỗi cung ứng xi măng

Đối mặt với nguồn cung than, điện khan hiếm và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu xi măng, nhưng năm 2018, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem – Bộ Xây dựng) đã khắc phục, thực hiện mục tiêu đóng góp từ 7 - 10% tăng trưởng kinh tế đất nước và cán đích trước 1 tháng chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, lợi nhuận.

Đối mặt khó khăn

Tổng Giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh cho biết, năm 2018, nguồn cung xi măng trong nước tiếp tục tăng, nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng trưởng thấp, dẫn đến cung vượt cầu. Tình hình tiêu thụ xi măng và Clinker tại các địa phương bị cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu xi măng giá rẻ.

Chú thích ảnh
Một dây chuyền sản xuất xi măng. Ảnh: TTXVN

Khó khăn lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất xi măng và Clinker là nguồn than khan hiếm, đẩy giá than tăng gấp 2 lần so với bình thường, kéo theo chi phí điện năng phục vụ sản xuất tăng theo, thậm chí phải nhập khẩu, đã khiến ngành Than, Điện không cung ứng đủ nguyên, nhiên liệu cho ngành Xi măng sản xuất. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đẩy giá than thế giới tăng, tác động đến tỷ giá ngoại tệ và xuất nhập khẩu than trên thị trường quốc tế, cũng tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng, sản xuất của Vicem.

Chưa hết, dây chuyền sản xuất và chuỗi tiêu thụ xi măng và Clinker tại nhiều địa phương có nhà máy của Vicem cũng gặp khó khăn do dây chuyển sản xuất cũ, không đáp ứng được yêu cầu sản lượng, cộng với việc xi măng Vicem bị cạnh tranh quyết liệt khiến việc tiêu thụ chậm. Ngành Xi măng hiện có 29/82 dây chuyền đã đầu tư trên 15 năm, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu, dẫn đến giá thành tăng, sức cạnh tranh thấp, thậm chí một số nhà máy phải mua clanhke để nghiền xi măng…

“Những khó khăn này được dự báo sẽ kéo dài trong năm 2019, cộng với những thách thức mới như chi phí năng lượng tiếp tục tăng cao, thị trường xi măng trong nước và quốc tế cạnh tranh khốc liệt, trong khi đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất xi măng đòi hỏi phải hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, mà vẫn phải tăng năng suất lao động... Nếu không giải quyết “nút thắt” dây chuyền công nghệ, tái cơ cấu thị trường tiêu thụ miền Trung – Tây Nguyên, miền Nam, Vicem khó có thể duy trì tăng trưởng và lợi nhuận”, ông Bùi Hồng Minh chia sẻ.

Tuy nhiên, nhờ tối ưu hóa các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, kéo dài thời gian vận hành thiết bị, tái cơ cấu chủng loại sản phẩm, kiểm soát giá đầu ra và công nợ, năm 2018 là năm đầu tiên trong nhiều năm Vicem sản xuất Clinker ước đạt 20,425 triệu tấn, bằng 103% kế hoạch năm, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng sản xuất xi măng đạt 24,744 triệu tấn, đạt 101% kế hoạch năm, tăng 11,5% so cùng kỳ. Tiêu thụ sản lượng xi măng 24,4 triệu tấn, tăng 9%; doanh thu thuất ước đạt 35.201 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm, tăng 3%; lợi nhuận ước đạt 2.799 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch năm, bằng 95% so cùng kỳ. Đáng chú ý là kết quả sản xuất kinh doanh này đều cán đích từ tháng 11/2018.

Tiêu thụ nội địa làm nền tảng

Lý giải kết quả sản xuất và tiêu thụ Vicem tăng cao hơn kỳ vọng, theo ông Bùi Hồng Minh là do trong năm 2018 nhiều dự án bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình dân dụng được đẩy mạnh, cộng với lượng tiêu thụ xi măng trong dân tăng cao, trong khi Trung Quốc đóng cửa các nhà máy xi măng gây ô nhiễm, biến nước này từ nước xuất khẩu xi măng và Clinker thành nước nhập khẩu… đã tác động tích cực đến thị trường và giá trị xuất khẩu xi măng của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng của Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch có công nghệ hiện đại. Ảnh: Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh của của Vicem năm 2018 với những “gam màu sáng” thuận lợi thể hiện trên các chỉ số sản xuất, tiêu thụ cán đích chỉ là phần nổi, bởi cuộc chiến giành thị phần giữa các thương hiệu xi măng trong ngoài nước vẫn thầm lặng. Do đó, Vicem xác định từ năm 2019 sẽ tập trung vào sản xuất xanh bảo vệ môi trường; ứng dụng mạnh công nghệ 4.0 vào sản xuất, tiệu thụ xi măng, Clinker và đồng hành cùng cộng đồng, người dân trong tiêu thụ, ổn định giá thị trường để phát triển bền vững Vicem.

Xác định 3 “trụ cột” này, năm 2019, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Vicem định hướng trên cơ sở nền tảng công nghệ tiên tiến của các nhà máy hiện có, sẽ đầu tư số hóa toàn bộ quy trình từ sản xuất đến tiệu thụ, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, hợp nhất mạng lưới sản xuất, dùng giải pháp quản lý vòng đời sản phẩm dựa trên nền tảng Internet để nhân viên có thể làm việc thông qua mạng; dùng robot bán tự động ở các vị trí nhất định làm việc bên cạnh con người để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; phân tích dữ liệu thu thập được về khách hàng để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và Quốc tế.

Để sản xuất xanh hiệu quả, từ năm 2019, Vicem thông qua quy trình kiểm soát chất lượng khí thải CO2, chỉ số bụi không khí tại từng dây chuyền sản xuất và công nhân, đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nồng độ ô nhiễm, nồng độ bụi, hệ thống camera giám sát tại khu vực ô nhiễm cao, sẽ giám sát chặt chẽ và nhằm kịp thời điều chỉnh sản xuất; đồng thời kết hợp với phủ xanh diện tích cây xanh tại tất cả các diện tích đất trống tại 12 nhà máy xi măng thành viên của Vicem.

“Để đồng hành cùng cộng đồng, Vicem xác định nền tảng sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, nhằm bình ổn giá, xây dựng mối quan hệ bền vững “Sản xuất – lưu thông” để thu hút ngày càng nhiều các thành phần kinh tế tư nhân vào chuỗi tiêu thụ xi măng, với phương châm “Xi măng sử dụng tài nguyên của đất nước thì phải phục vụ quốc gia, không xuất khẩu tài nguyên””, ông Bùi Hồng Minh nói.

Tiến Hiếu/Báo Tin tức